.

Huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để chăm sóc tốt nhất cho trẻ em

Cập nhật: 14:35, 01/06/2024 (GMT+7)

Với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 được các cấp, ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) xung quanh chủ đề trên.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em.

Thưa Phó Cục trưởng, xin bà chia sẻ về những thành tựu nổi bật của công tác trẻ em ở Việt Nam thời gian qua?

Trong những năm qua, công tác trẻ em ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, lồng ghép với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý và phối hợp triển khai từ Trung ương đến địa phương; Ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, chính sách, tạo những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Nhận thức của cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các ngành, cha mẹ, trẻ em và xã hội tăng lên rõ rệt, từ công tác phòng ngừa, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em, thực hiện hỗ trợ, can thiệp đến xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em... đều có sự chuyển biến tích cực.

Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp Trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội; nhiều mô hình, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trẻ em đã được các địa phương thí điểm triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực.

Đặc biệt, năm 2023, kết quả đạt được của các nhóm giải pháp rất rõ nét. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai công tác rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em kịp thời và đồng bộ; đã chủ trì, phối hợp trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ký ban hành 1 Chỉ thị của Bộ Chính trị, 2 Luật, 1 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Chỉ thị, 1 Quyết định.

Hoạt động lễ hội thiếu nhi tại TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động lễ hội thiếu nhi tại TP Hồ Chí Minh.

Các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đã xây dựng và ban hành 10 Thông tư và Thông tư liên tịch liên quan đến bảo đảm quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung; tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch về đảm bảo thực hiện quyền trẻ em để chia sẻ kết quả, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác trẻ em trong những năm tiếp theo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó,  đã có sự phối hợp liên ngành giải quyết các vấn đề về trẻ em như: Giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt là đuối nước trẻ em; chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Năm 2023, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I. Phiên họp đã nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII - đã tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em đã được củng cố, kiện toàn ở cả trung ương và địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) để phối hợp, đôn đốc, điều hòa việc giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em.

Một số địa phương như: Bắc Kạn, Vĩnh Long, Bình Dương, Yên Bái.... đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cộng tác viên được hưởng phụ cấp từ ngân sách của địa phương.

Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền trẻ em đã được các bộ, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Ủy ban Quốc gia về Trẻ em xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra liên ngành về thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em năm 2023 tại 6 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Tây Ninh và Long An. 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Toàn quốc đã triển khai 8.145 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em (tăng 774 cuộc so với năm 2022); Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đăng tải hình ảnh, video có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em hoặc xâm hại trẻ em.

ường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn địa phương triển khai thu thập, báo cáo về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trẻ em hiện nay còn đang gặp phải những khó khăn, thách thức nào, thưa bà?

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác trẻ em vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, thách thức. Tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp. Năm 2023, đã xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em có tính chất manh động, nhằm mục đích tống tiền, có vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, gây mất an ninh, an toàn.

Tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh; hình thành băng nhóm kín thông qua mạng xã hội kêu gọi thành viên để giải quyết các mâu thuẫn hoặc chống trả lực lượng chức năng.

Nhiều vụ cháy chung cư và cháy, nổ do tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em gây tai nạn, thương tích dẫn đến tử vong hoặc phải điều trị dài ngày trong bệnh viện; vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, còn nhiều vụ việc trẻ em bị ngộ độc thực phẩm.

Các nền tảng xã hội trực tuyến liên tục được phát triển làm cho việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trở nên khó khăn hơn; chưa có đủ công cụ, biện pháp để xử lý những nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em trên môi trường mạng nhất là đối với những nền tảng nước ngoài...

Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; cơ sở vật chất tại các hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nhiều địa phương cũ kỹ, xuống cấp, không thu hút được người dân và trẻ em tham gia.

Xin bà cho biết ý nghĩa, nội dung chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2024?

Điều 11 Luật Trẻ em quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động thiết thực, cụ thể và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội, nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Hành động thiết thực là mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi doanh nghiệp, hãy có những hành động thiết thực, dành nguồn lực, sự quan tâm cho chính con em mình nói riêng và cho trẻ em nói chung. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, bố trí kinh phí dành cho công tác trẻ em, đồng thời vận động, tuyên truyền, chỉ đạo các tổ chức, các cấp đoàn, hội có công trình, hành động thiết thực vì trẻ em, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Các đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em" nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, mỗi đoàn viên, hội viên có một hành động cụ thể, việc làm thiết thực, hiệu quả dành cho trẻ em.

Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ trẻ em và xây dựng các công trình (trường, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi...) cho trẻ em.

Đối với ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, đó là ưu tiên nhân lực và kinh phí dành cho công tác trẻ em. Cụ thể, về nhân lực làm công tác trẻ em: Cần phải kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao năng lực, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư.

Về kinh phí cho công tác trẻ em bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước, phân bổ nguồn lực hợp lý trong thực hiện chính sách đối với trẻ em; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(Theo https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/huy-dong-toi-da-nguon-luc-tu-cong-dong-xa-hoi-de-cham-soc-tot-nhat-cho-tre-em-20240530232604170.htm)

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.