.

Thế giới tuần qua: Trúc trắc

Cập nhật: 22:33, 20/10/2018 (GMT+7)

Căng thẳng leo thang giữa các bên với Saudi Arabia xung quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn; vụ xả súng kinh hoàng tại trường học ở bán đảo Crimea; đàm phán Brexit vẫn bế tắc khi hạn chót ngày càng đến gần... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

1. Vụ nhà báo Khashoggi mất tích bí ẩn

Cuối cùng, ngày 20-10, Saudi Arabia đã thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã thiệt mạng sau vụ ẩu đả trong lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Riyadh xác nhận cái chết của ông Khashoggi trong khi trước đó nhiều lần khẳng định nhà báo này đã rời khỏi lãnh sự quán ở Istanbul, đồng thời bác bỏ trách nhiệm trong vụ việc.

Các nhà hoạt động mang theo ảnh nhà báo Jamal Khashoggi tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Vox
Các nhà hoạt động mang theo ảnh nhà báo Jamal Khashoggi tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Vox

Cơ quan công tố của Saudi Arabia tuyên bố, cuộc điều tra đang tiếp tục được tiến hành, 18 người bị bắt đồng thời cho biết thêm cố vấn của tòa án Hoàng gia Saud al-Qahtani và Phó giám đốc tình báo Ahmed Asiri đã bị cách chức.

Vụ mất tích bí ẩn của ông Khashoggi đang trở thành tâm điểm chú ý do vụ việc không chỉ gây căng thẳng ngoại giao cho Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đe dọa mối quan hệ giữa Riyadh và phương Tây.

Trong khi đó, việc tổ chức Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai 2018 (FII 2018) dự kiến diễn ra tại thủ đô Riyadh từ ngày 23 đến 25-10 đang bị nhiều bên tẩy chay do lo ngại về vụ việc. Ngoài ra, nhiều tập đoàn kinh tế và truyền thông lớn đã rút khỏi sự kiện.

Nhà báo Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và sống lưu vong tại Mỹ, đã mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà báo Khashoggi từng thường xuyên viết bài chỉ trích chính quyền Saudi Arabia.

2. Xả súng, đánh bom trường học tại bán đảo Crimea

Khoảng giữa trưa 17-10 (theo giờ địa phương), Vladislav Roslyakov, 18 tuổi, đã gây ra vụ nổ, sau đó xả súng nhằm vào những người bạn cùng lớp và các giáo viên hướng dẫn tại trường cao đẳng kỹ thuật tổng hợp ở thành phố Kerch, bán đảo Crimea thuộc Nga. Nghi phạm đã giết chết 18 người, làm bị thương khoảng 50 người trước khi tự sát bằng súng.

Chính quyền thành phố Kerch ngày 19-10 đã tiến hành tổ chức tang lễ tại Quảng trường Lenin cho các nạn nhân vụ xả súng. Ảnh: TASS
Chính quyền thành phố Kerch ngày 19-10 đã tiến hành tổ chức tang lễ tại Quảng trường Lenin cho các nạn nhân vụ xả súng. Ảnh: TASS

Kẻ thủ ác không để lại bất kỳ lời nhắn nào giải thích về hành động tội ác, không có tin nhắn nào trên phương tiện truyền thông xã hội, y cũng không nói bất kỳ điều gì trong lúc thực hiện vụ thảm sát. Hiện chưa có manh mối nào về động cơ của hung thủ.

Ủy ban Điều tra Nga xác định đây là một vụ thảm sát. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả vụ tấn công là “một thảm kịch” và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. An ninh được thắt chặt trên khắp bán đảo, trong khi cảnh sát đã cử thêm lực lượng tuần tra cây cầu nối Crimea với đất liền Nga.

Vụ tấn công được xem là đẫm máu nhất lịch sử Crimea, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này sau một cuộc trưng cầu dân ý minh bạch năm 2014. Ủy ban chống khủng bố Nga cho biết có thể có nhiều hơn một kẻ tấn công và hiện đang nỗ lực tìm kiếm những kẻ có liên quan.

3. Thỏa thuận Brexit tiếp tục gặp bế tắc

Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (EU) đã diễn ra trong hai ngày 17 và 18-10 tại Brussels, Bỉ. Đây được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên đi tới một thỏa thuận trước khi Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3-2019.

Brexit là chủ đề trọng tâm của Hội nghị lần này khi trước và trong ngày đầu của Hội nghị, tất cả mọi sự quan tâm của chính giới, truyền thông lẫn dư luận châu Âu đều dồn vào việc liệu EU và Anh có đạt được một thoả thuận Brexit vào phút chót hay không. Tuy nhiên, câu trả lời đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra là “không”.

Quang cảnh một phiên họp trong Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vừa qua. Ảnh: The ASEAN Post
Quang cảnh một phiên họp trong Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vừa qua. Ảnh: The ASEAN Post

Ngoài việc không đạt được thoả thuận Brexit, một điểm kém tích cực khác, đó là việc nguyên thủ 27 nước EU cũng đưa ra tuyên bố là họ chưa nhận thấy các tiến triển đủ lớn trong các đàm phán Brexit để có thể tổ chức một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường khác của EU trong tháng 11-2018.

Các nước châu Âu cũng bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản không đạt thỏa thuận, với việc làm thế nào nhanh chóng thông qua luật khẩn cấp của EU để đối phó với việc gián đoạn trong vận chuyển và các liên kết thương mại.

Trước đó, cuộc đàm phán "nước rút" giữa London và Brussels ngày 14-10 về một thỏa thuận Brexit đã không đạt được kết quả, tiếp tục vướng mắc trong vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.

4. Căng thẳng ngoại giao Ecuador và Venezuela

Căng thẳng ngoại giao giữa 2 quốc gia Nam Mỹ tiếp tục leo thang liên quan đến vấn đề người Venezuela nhập cư.

Trước đó, ngày 17-10, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez đã cáo buộc Tổng thống Ecuador Lenin Moreno “dối trá” khi cho rằng có tới 6.000 người Venezuela nhập cảnh vào nước này mỗi ngày, trong đó có nhiều người bị mắc các loại bệnh lý.

Đại biện Ecuador tại Venezuela Elizabeth Méndez. Ảnh: venezuela.embajada.gob.ec
Đại biện Ecuador tại Venezuela Elizabeth Méndez. Ảnh: venezuela.embajada.gob.ec

Điều này đã đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước thuộc Nam Mỹ này trở nên hết sức căng thẳng. Theo ông Rodriguez, hành động của Tổng thống Ecuador là “thổi phồng” nhằm gây bất ổn tình hình tại Venezuela.

Chính phủ Ecuador đã ra tuyên bố trục xuất Đại sứ Venezuela Carol Delgado Arria để phản đối. Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao, Ecuador khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ hành động thiếu tôn trọng nào nhằm vào các nhà lãnh đạo nước này.

Bộ Ngoại giao Venezuela cũng ra thông cáo đáp trả tương xứng đối với bà Elizabeth Méndez, Đại biện Ecuador tại Venezuela. Đây là đại diện ngoại giao cao nhất của Ecuador sau khi vị trí đại sứ bị bỏ trống hơn 1 năm qua do căng thẳng ngoại giao song phương.

Theo Liên hợp quốc, khoảng 1,9 triệu người Venezuela đã di cư ra nước ngoài kể từ năm 2015 trước tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm.

5. Trung Quốc chủ động hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với Mỹ

Thống đốc Ngân hàng nhân dân (trung ương) Trung Quốc Dịch Cương đã kêu gọi "các giải pháp mang tính xây dựng" trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

Phát biểu trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Bali, Indonesia, ông Dịch Cương cảnh báo cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến "hai bên cùng thua"; nhấn mạnh rằng, căng thẳng thương mại dẫn tới những dự đoán tiêu cực và gây ra tình trạng bất ổn.

 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Ảnh: TTXVN
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Ảnh: TTXVN

Lời kêu gọi trên được đưa ra một ngày sau khi IMF cảnh báo "cánh cửa cơ hội" giúp bảo đảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi đúng hướng đang ngày càng thu hẹp, trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét, song hành với những bất đồng thương mại và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi.

Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng.

Hiện dư luận đang hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra vào tháng tới tại Argentina, qua đó hai bên có thể đạt được một số thỏa thuận nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

6. Hội nghị ba bên đầu tiên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Bộ Tư lệnh LHQ

Sáng 16-10, hai miền Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) đã tiến hành hội nghị 3 bên, đàm phán về giải giáp khu vực tuần tra chung (JSA) tại làng đình chiến Panmunjom.

Binh sĩ Hàn Quốc rà phá bom mìn trong DMZ. Ảnh: AFP
Binh sĩ Hàn Quốc rà phá bom mìn trong DMZ. Ảnh: AFP

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác rà phá bom mìn ở JSA, dự kiến hoàn thành trong ngày 20-10 (tức trong vòng 1 tháng); thảo luận các kế hoạch cụ thể như kiểm tra chéo các biện pháp phi vũ trang hóa, chia sẻ thông tin liên quan việc điều chỉnh và giám sát chéo, rút vũ khí và binh lính ở các trạm gác tại JSA.

Chiến dịch rà phá mìn tại JSA của hai miền Triều Tiên kéo dài 20 ngày, bắt đầu từ ngày 1-10. Đây là một phần trong thỏa thuận liên Triều hồi tháng 9 nhằm biến khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên trở thành một "vùng an toàn" và ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau.

Tại cuộc gặp này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí rút 11 trạm biên phòng của mỗi bên trước cuối năm nay, thiết lập một vùng đệm gần đường ranh giới quân sự trên bộ và trên Biển Hoàng Hải để ngừng các cuộc diễn tập pháo binh, hải quân. Triều Tiên và Hàn Quốc cũng sẽ lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới nhằm tránh các vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc. Các cuộc tập trận gần đường ranh giới quân sự liên Triều sẽ chấm dứt từ ngày 1-11 tới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.