.

Thế giới tuần qua: Đối đầu căng thẳng

Cập nhật: 21:37, 11/07/2020 (GMT+7)

Trong khi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh trên toàn cầu, dư luận vẫn quan tâm đến nhiều sự kiện quốc tế khác như giao tranh tại biên giới Ấn Độ-Pakistan, Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi WHO, hay căng thẳng Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ.

1. Dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến sáng 11-7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 12,6 triệu ca, trong đó có hơn 561.000 trường hợp tử vong, tại 213 nước và vùng lãnh thổ. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là trên 7,3 triệu người.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, có gần 3,3 triệu trường hợp mắc và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 136.529 người. Có những ngày trong tuần, nước này ghi nhận kỷ lục hơn 60.000 ca. Hiện, Mỹ đang chiếm tới 1/4 số ca tử vong trên toàn cầu. Điều này khiến Tổng thống Donald Trump hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách đối phó với dịch bệnh.

Số ca mắc mới Covid-19 trong tuần tại Mỹ tăng chóng mặt. Ảnh: Business Insider
Số ca mắc mới Covid-19 trong tuần tại Mỹ tăng chóng mặt. Ảnh: Business Insider

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 ở Mỹ Latin và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm hơn 41.000 ca mắc và 1.144 ca tử vong ngày 10-7, nâng tổng số lên 1.800.827 ca bệnh và 70.398 ca tử vong. Tổng thống Brazil Bolsonaro bị xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tình trạng sức khỏe của ông vẫn ổn định.

Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 27.728 ca mắc và 521 ca tử vong trong ngày 10-7. Tổng số ca mắc Covid-19 của nước này là 822.570, trong đó có 22.144 ca tử vong. Quốc gia Nam Á hiện giờ đã đứng thứ 3 trên thế giới về số ca mắc.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 252.720 sau khi ghi nhận thêm hơn 2.200 trường hợp. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 12.447 trường hợp.

Tại cuộc họp báo mới đây về dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh rằng thế giới bị chia rẽ khiến dịch bệnh hoành hành dữ dội, chỉ trích mạnh mẽ việc thiếu sự lãnh đạo và đoàn kết trong cuộc khủng hoảng đại dịch sau khi Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi tổ chức này.

2. Đấu súng gây đổ máu tại biên giới Ấn Độ-Pakistan

Một binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một vụ nổ súng giao tranh giữa lực lượng nước này và Pakistan tại khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir.

Theo Sputnik, quân đội Ấn Độ ngày 10-7 cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn mà hai nước đạt được hồi năm 2003 về Đường Kiểm soát (LoC) biên giới. Quân đội Ấn Độ cho biết từ đêm 9-7, binh sĩ Pakistan đã nổ súng và nã pháo qua biên giới làm một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Binh sĩ Ấn Độ canh gác tại một khu vực ở Jammu do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: Times of India
Binh sĩ Ấn Độ canh gác tại một khu vực ở Jammu do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: Times of India

Dữ liệu chính phủ thống kê chỉ ra trong tháng qua, 6 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong các vụ đấu súng qua biên giới. Về phần mình, ngày 6-7, Pakistan cho biết 5 dân thường nước này, trong đó có 2 trẻ em, đã bị thương trong một vụ vi phạm lệnh ngừng bắn do binh sĩ Ấn Độ gây ra tại khu vực Nikial.

Ấn Độ và Pakistan liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn tại LOC biên giới. Tháng trước, Ấn Độ cáo buộc Pakistan vi phạm lệnh ngừng bắn trên 2.000 lần chỉ tính trong năm nay, trong khi Islamabad tố ngược lại New Delhi vi phạm 957 lần.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan tới khu vực biên giới đã kéo dài trong suốt 70 năm qua. Hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm LOC và lệnh ngừng bắn.  

3. Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán về START-3

Trung Quốc tiếp tục phản đối việc Mỹ mời Bắc Kinh tham gia đàm phán về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START-3), hiện gồm có Mỹ và Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 10-7 nhấn mạnh, đề xuất của Mỹ về đàm phán 3 bên là “không chân thành”, đồng thời cho rằng thay vào đó, Mỹ nên phản hồi lời kêu gọi của Nga mở rộng Hiệp ước START-3 và cắt giảm hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán ba bên về một văn bản thay thế cho Hiệp ước START-3, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối và nêu điều kiện Washington phải sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng với mức của Bắc Kinh.

Về phía Nga, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Moscow không phản đối vai trò của Trung Quốc, nhưng cũng không ép Bắc Kinh tham gia đàm phán. Nga cũng kêu gọi các đồng minh hạt nhân của Mỹ như Anh, Pháp tham gia đàm phán nếu Trung Quốc đồng ý tham gia.

Hiệp ước START-3 hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.

4. Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì Libya

Cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trên chiến trường Libya là điều đang khiến cho cộng đồng quốc tế cảm thấy đặc biệt lo ngại.

Truyền thông Ai Cập cho biết, quân đội nước này đang chuẩn bị thực hiện một cuộc diễn tập quân sự gần biên giới Libya có tên Decisive 2020. Đây là phản ứng trước thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tập trận ở Địa Trung Hải.

Quân đội Ai Cập tại một cuộc tập trận. Ảnh: Egyptian Armed Forces
Quân đội Ai Cập tại một cuộc tập trận. Ảnh: Egyptian Armed Forces

Cuộc diễn tập của quân đội Ai Cập diễn ra chỉ một ngày sau khi lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức một cuộc tập trận khổng lồ ngoài khơi bờ biển Libya mang tên Naftex trong giai đoạn tới.

Ankara tiết lộ rằng hành động quân sự này sẽ diễn ra sớm, nhằm sẵn sàng đối phó với tình hình chiến tranh ở phía Đông Địa Trung Hải, bên cạnh những gì được mô tả là căng thẳng leo thang ở Libya trong giai đoạn gần đây.

Cần nhớ lại rằng quân đội Ai Cập từng tuyên bố sẽ chính thức đưa quân vào Libya để trợ giúp đồng minh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) nếu thành trì cuối cùng của họ là thành phố chiến lược Sirte thất thủ.

Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có động thái rất cứng rắn nhằm ủng hộ các lực lượng vũ trang của Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) do họ hậu thuẫn.

5. Nhật Bản, Mỹ cam kết hợp tác trong vấn đề Triều Tiên

Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tiếp tục hợp tác trong vấn đề Triều Tiên giữa lúc Bình Nhưỡng từ chối nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Tại cuộc gặp ngày 10-7, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước trong một môi trường an ninh đang thay đổi hơn bao giờ hết.

Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ảnh: TTXVN
Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ảnh: TTXVN

Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Motegi cho biết, việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác với nhau nhằm duy trì và thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là cực kỳ quan trọng. Ông Biegun là quan chức cấp cao đầu tiên của Chính phủ Mỹ thăm Nhật Bản kể từ tháng 3-2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở nước này.

Trước đó, ông Biegun đã có các cuộc gặp riêng rẽ với hai quan chức cấp cao về an ninh-quốc phòng của Nhật Bản là Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và Cố vấn An ninh Quốc gia của thủ tướng Shigeru Kitamura.

Theo đài truyền hình NHK, tại cuộc gặp giữa ông Biegun và Bộ trưởng Kono, hai bên đã nhất trí rằng tất cả các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí hợp tác về phòng thủ tên lửa.

6. Hà Lan sẽ kiện Nga về vụ bắn hạ máy bay MH17

Ngày 10-7, Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu về vụ bắn hạ máy bay chở khách số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên không phận miền Đông Ukraine cách đây 6 năm.

Một bức thư gửi quốc hội cho hay, Hà Lan đang nộp đơn kiện vụ này lên Tòa án Nhân quyền châu Âu để tìm ra “sự thật, công lý và trách nhiệm” cho toàn bộ 298 nạn nhân trong vụ rơi máy bay này.

Mảnh vỡ máy bay MH17. Ảnh: Russia Insider
Mảnh vỡ máy bay MH17. Ảnh: Russia Insider

Hà Lan, nước có tới 3/4 số nạn nhân trong thảm họa này, luôn quy trách nhiệm cho Nga trong vụ rơi máy bay ngày 17-7-2014. Trong khi đó, Điện Kremlin một mực phủ nhận liên quan.

Vào ngày 17-7-2014, máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines có số hiệu MH17 xuất phát từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur đang bay qua không phận thuộc miền Đông Ukraine, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai, bất ngờ bị nổ ở trên không.

Toàn bộ 298 người trên máy bay đã thiệt mạng. Trong đó bao gồm 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, hơn một nửa là công dân Hà Lan. 15 thành viên phi hành đoàn đều là người Malaysia.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.