.

Các quốc gia thành viên đề cao giá trị của Hiệp định RCEP

Cập nhật: 21:03, 15/11/2020 (GMT+7)

Ngày 15-11, lãnh đạo nhiều nước đề cao giá trị của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với khu vực sau khi hiệp định được ký kết.

Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Malaysia: RCEP có vai trò vô cùng thiết yếu đối với sự phản ứng của khu vực trong việc xử lý COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho rằng RCEP sẽ là công cụ quan trọng để khôi phục kinh tế đồng thời khuyến khích tái mở cửa thị trường và đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt quãng.

Phát biểu khi tham dự Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 4 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh RCEP có vai trò vô cùng thiết yếu đối với sự phản ứng của khu vực trong việc xử lý COVID-19, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn tác động tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế.  

Theo nhà lãnh đạo Chính phủ Malaysia, trong bối cảnh phải chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, lại vừa phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN cần tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh của khu vực.

Ông Muyhiddin cho rằng các hiệp định tự do thương mại (FTA) là cách giúp duy trì khả năng cạnh tranh thông qua việc thúc đẩy thương mại quốc tế, khuyến khích đầu tư và đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực tài năng.

Với ý nghĩa như vậy, RCEP sẽ là phương tiện chủ chốt giúp tăng cường kết nối kinh tế trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.

Đánh giá về việc ký kết RCEP, Thủ tướng Muhyiddin cho rằng hiệp định được thương thảo dựa trên sự phát triển kinh tế khác nhau giữa 15 nước thành viên và có thể mang lại lợi ích cho tất cả. Ông Muhyiddin nhấn mạnh RCEP sẽ là tiêu chuẩn đối với sự phát triển trong tương lai và là sự ghi nhận thích đáng đối với các nỗ lực hợp tác kinh tế của các nước trong khu vực.

Thủ tướng Muhyiddin nêu rõ Malaysia cùng các nước đối tác trong RCEP muốn chứng tỏ với thế giới rằng, mặc dù có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, song 15 nước thành viên có thể làm việc cùng nhau để tạo ra một hiệp định thương mại mang lại lợi ích cho tất cả các bên, không chỉ cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn cho cả sinh kế của người dân.

Về việc Ấn Độ chưa tham gia RCEP, Thủ tướng Muhyiddin cho biết ông chia sẻ với những khó khăn mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Theo ông Muhyiddin, Malaysia luôn ủng hộ và mong muốn Ấn Độ sẽ gia nhập RCEP trong tương lai.

Indonesia: RCEP thể hiện cam kết đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đánh giá việc ký kết RCEP là biểu tượng của sự cam kết vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Tổng thống Widodo nhấn mạnh việc ký kết RCEP là “thời khắc lịch sử” sau tiến trình đàm phán kéo dài gần một thập kỷ; tiến trình đàm phán không hề dễ dàng, song cuối cùng hiệp định đã được ký kết, cho thấy “cam kết mạnh mẽ” đối với các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương và quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Theo Tổng thống Widodo, RCEP cũng đánh dấu cam kết của các nước đối với các nguyên tắc thương mại đa phương “cởi mở, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.” Quan trọng hơn, hiệp định này mang lại hy vọng và lạc quan về sự phục hồi kinh tế khu vực hậu đại dịch COVID-19.

Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh RCEP là “biểu tượng” cho cam kết của các nhà lãnh đạo khu vực đối với mô hình các bên cùng có lợi và ưu tiên lợi ích chung đồng thời khẳng định cam kết vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng sẽ là một phần quan trọng để khu vực hướng tới vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Tổng thống Widodo lưu ý rằng việc ký kết RCEP mới chỉ là “bước khởi đầu,” và các nước liên quan vẫn cần phải nỗ lực để triển khai thỏa thuận thương mại vốn đòi hỏi “cam kết chính trị ở cấp cao nhất” này.

Thái Lan: RCEP sẽ nâng cao giá trị chiến lược của ASEAN cũng như khu vực RCEP

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ vui mừng khi chứng kiến việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do lịch sử này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết: Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao RCEP, Thủ tướng Prayut ghi nhận các nước tham gia RCEP đã phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình đàm phán do trình độ phát triển kinh tế khác nhau và những vấn đề nhạy cảm, trong khi đại dịch COVID-19 gần đây cũng gây thêm khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia tham gia RCEP đã cùng nhau nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua những thách thức đó.

4
Một nhà máy chế biến tôm ở Mahachai, ngoại ô Bangkok, Thái Lan ngày 25-2-2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Prayut nhận xét RCEP không chỉ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, mà còn có đặc trưng về chất lượng và tiêu chuẩn, cũng như tác động tích cực của hiệp định đối với việc nâng cao tính cạnh tranh và làm gia tăng những lợi ích kinh tế cho tất cả các thành viên.

Thủ tướng Prayut tin tưởng ngay khi hiệp định RCEP có hiệu lực, sự hội nhập kinh tế sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn đầu tư từ các đối tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp tất cả các thành viên có năng lực và khả năng phục hồi để quản lý các thách thức kinh tế trong tương lai đồng thời phục hồi mạnh mẽ sau tác động của đại dịch.

Theo Thủ tướng Prayut, Hiệp định RCEP sẽ nâng cao giá trị chiến lược của ASEAN cũng như khu vực RCEP và cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác trong thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới thương mại tự do và cởi mở hơn, trong khi củng cố hệ thống thương mại đa phương. Sau đó, khu vực và người dân sẽ có thể thu được những lợi ích kinh tế mang tính bao trùm và bền vững.   

Campuchia: RCEP là thành tựu lịch sử của khu vực

Hãng thông tấn quốc gia Campuhia AKP đưa tin, thay mặt Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth và nhiều nhà lãnh đạo các nước thành viên RCEP đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định RCEP.

Hiệp định RCEP là thành tựu lịch sử của khu vực, với sự đóng góp vào bảo vệ và thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, tăng cường cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên các luật lệ. Đó là điều kiện tiên quyết cho các nguyên tắc thương mại tự do và công bằng, một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hiệp định RCEP cũng là chất xúc tác cần thiết đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế của người dân trong khu vực và góp phần khôi phục sự phát triển kinh tế khu vực hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khi được đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 26.200  tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019) và 2,2 tỷ người dân, chiếm 30% dân số thế giới.

Dựa trên kết quả đàm phán và nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), với việc ký kết RCEP, GDP mỗi năm của Campuchia có thể tăng 2%, và lần lượt 7,3% và 23,4% cho xuất khẩu và đầu tư.

Chuyên gia Singapore đánh giá RCEP là dấu mốc quan trọng của ASEAN

Ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của Hiệp hội. Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) - bà Jessica Wa’u đã nhận định như vậy khi RCEP được ký kết ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.

45
Tàu hàng neo đậu tại cảng ở Singapore, ngày 18-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore, bà Jessica Wa’u cho rằng việc ký kết RCEP là đặc biệt ấn tượng sau 8 năm đàm phán. RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn đầu hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau năm 2020 đầy biến động.

Một thành tựu ấn tượng khác của ASEAN trong năm 2020 là khả năng tập hợp những nỗ lực tập thể trong xử lý đại dịch COVID-19. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc liên lạc và chia sẻ thông tin thường xuyên trong khối thông qua các nền tảng như Trung tâm ảo Biodiaspora của ASEAN (ABVC).

Và giờ đây sẽ có những nỗ lực chung để các nước ASEAN cùng nhau phục hồi sau đại dịch thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF).

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc linh hoạt tổ chức các hội nghị dưới hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19, bà Jessica Wa’u nhận định các cuộc họp trực tuyến đã rất hữu ích và cần thiết trong một năm mà các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của ASEAN không thể gặp nhau trực tiếp. Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với tư cách Chủ tịch ASEAN trong việc triệu tập các hội nghị cấp cao trực tuyến trong năm qua.

Theo bà Jessica Wa'u, trong tương lai, ASEAN có thể chuyển một số cuộc họp của khối sang hình thức trực tuyến hoặc có thể kết hợp giữa các cuộc họp trực tuyến và trực tiếp.

Cũng đề cập RCEP, chuyên gia Cassey Lee, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá việc ký kết hiệp định này là một sự kiện quan trọng đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ gây ra tác động lâu dài và những bất định sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Lee nhận định thương mại là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với các nước thành viên RCEP. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp ở nhiều nước, thỏa thuận này sẽ mang lại cho các bên tham gia nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn.

Trong khi đó, bình luận về RCEP, nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho rằng hiệp định này sẽ tạo ra một khuôn khổ thương mại tự do khổng lồ, giúp thúc đẩy tăng trưởng của các nước thành viên sau đại dịch COVID-19.

Thỏa thuận này gồm 20 chương về các quy tắc bao trùm, từ thương mại hàng hóa, đầu tư và thương mại điện tử tới sở hữu trí tuệ và mua sắm công. Mục tiêu của RCEP là tăng sự tương tác kinh tế dựa trên các quy tắc giữa các nước thành viên.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-quoc-gia-thanh-vien-de-cao-gia-tri-cua-hiep-dinh-rcep/676993.vnp)

.
.
.