.

Thế giới tuần qua: Đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới

Cập nhật: 12:08, 21/11/2020 (GMT+7)

Tuần qua, một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Việt Nam khi ASEAN và 5 nước đối tác chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai. Sự kiện này cũng khẳng định vị thế của ASEAN với vai trò đối tác năng động, vì sự thịnh vượng chung.

1.  Ký kết RCEP: Khẳng định vị thế của ASEAN

Ngày 15-11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam chủ trì, các quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Kinh tế Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. Ảnh: baoquocte.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Kinh tế Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. Ảnh: baoquocte.vn

RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người. Mục tiêu của RCEP là hài hòa các mạng lưới FTA "ASEAN +1" hiện có thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại duy nhất và gắn kết cho khu vực.  

Khi được thực thi, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 Tổng sản phẩm (GDP) toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu. Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Việc RCEP được ký kết sau 8 năm đàm phán đã mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. “Sự kiện lịch sử” này thể hiện quyết tâm của các nước trong việc vượt qua thách thức, chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch, từng bước khôi phục kinh tế hậu Covid-19.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, hiệp định đã phản ánh nỗ lực của ASEAN trong việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và cam kết về thương mại tự do, đồng thời gửi đi thông điệp phản đối chủ nghĩa bảo hộ và giúp thúc đẩy lòng tin vào toàn cầu hóa. Việc thực hiện RCEP chính là đóng góp thiết thực của ASEAN và các đối tác vào việc củng cố và cải tiến hệ thống thương mại đa phương công bằng, dựa trên luật lệ.

Tại lễ ký thỏa thuận lịch sử này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định RCEP là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN, với vai trò trung tâm của mình, đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai. Cùng với dấu mốc RCEP năm 2020, ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

2. Kinh tế nguy cơ rơi vào suy thoái kép, EU đau đầu tìm lối thoát hiểm

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm khi phải chật vật khống chế làn sóng Covid-19 thứ hai, đi kèm đó là các biện pháp phong tỏa mới và các biện pháp hạn chế được áp đặt trên diện rộng khiến hoạt động kinh tế càng trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý cuối cùng của năm 2020 sau khi tăng kỷ lục 12,3% trong quý III.  

Nhiều cửa hàng, nhà hàng, nhà máy sản xuất hàng hóa tại Italy buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: CNN
Nhiều cửa hàng, nhà hàng, nhà máy sản xuất hàng hóa tại Italy buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: CNN

Ngoài ra, Eurozone còn phải đối mặt với một vấn đề “hóc búa” khi kế hoạch ngân sách và phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ Euro chưa thể thông qua do vấp phải sự phản đối của Ba Lan và Hungary. Lý do của việc này là Warsaw và Budapest không nhất trí với việc gắn ngân sách của EU với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.  

Để tháo gỡ bất đồng, EU dường như đang cố kết hợp thực hiện chiến thuật "củ cà rốt và cây gậy". EU cam kết đối thoại với Ba Lan và Hungary, với điều kiện để hai nước này hiểu rằng "bóng đang ở trong sân" của họ. Hai quốc gia này phải đưa ra các giải pháp thực chất càng sớm càng tốt. Trong hậu trường, EU đang tính đến một tuyên bố nhằm trấn an 2 nước.

Mặt khác, EU cũng sẽ gây áp lực đối với Warsaw và Budapest bằng cách buộc hai nước phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của kế hoạch vốn đang được trông đợi trên khắp EU, qua đó khiến Ba Lan và Hungary cảm thấy bị cô lập. Thậm chí, không loại trừ EU sẽ chọn giải pháp cuối cùng là bỏ qua các nước ngăn cản để thực hiện kế hoạch trên, dù đây là một lựa chọn được xem có tính chất "đe dọa", bởi việc triển khai sẽ rất khó khăn và đi kèm với hậu quả chính trị nghiêm trọng.

Hạn chót là giữa tháng 12 tới kế hoạch trên phải được thông qua, nếu không, EU sẽ không có ngân sách vào tháng 1-2021. Nhiều quan chức EU đánh giá đây là một cuộc mặc cả đầy nguy hiểm, và nếu các bất đồng không thể được giải quyết thì nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới là hoàn toàn có thể

3. Khủng hoảng đói nghèo gia tăng ở nhiều nước

Các cơ quan của LHQ cảnh báo khoảng 250 triệu người ở 20 nước trên thế giới đang có nguy cơ bị suy dinh dưỡng trầm trọng hoặc thậm chí chết đói trong những tháng tới. 7 nước có nguy cơ đói kém nhất là Yemen, Afghanistan, Nam Sudan, Ethiopia, Nigeria, Congo và Burkina Faso.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Yemen. Ảnh: UN
Trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Yemen. Ảnh: UN

Ở nhiều nước, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã chất thêm gánh nặng mới cho những nước vốn đã khó khăn do tác động của các cuộc chiến tranh, đẩy ngày càng nhiều người vào cảnh đói nghèo, không có tiền mua lương thực.   

Nam Sudan là nước có nguy cơ cận kề nạn đói hơn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới do các cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra đè nặng lên người dân nước này vốn đã kiệt quệ do cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua. Đầu năm nay, LHQ dự báo rằng 1/4 trong tổng số hơn 1,2 triệu dân ở bang Jonglei của nước này, có nguy cơ chết đói. Bên cạnh đó, các trận lũ lụt cũng ảnh hưởng tới 1 triệu người dân ở nước này. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã hạn chế hoạt động thương mại và đi lại ở Nam Sudan, khiến giá lương thực tăng cao, bất ổn gia tăng, thậm chí xảy ra các cuộc tấn công vào thuyền của Chương trình Lương thực Thế giới chở hàng tiếp tế.

Yemen trên bán đảo Arab, cũng đang cận kề thảm họa khi nạn đói nơi đây thực sự hiện hữu với mức độ nghiêm trọng. 2/3 trong tổng số khoảng 28 triệu người dân Yemen hiện đang đói ăn. Số liệu của LHQ thu thập từ các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số người suy dinh dưỡng trầm trọng tại miền Nam Yemen đã tăng 15,5% trong năm nay và có ít nhất 98.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chết đói. Vào cuối năm nay, 41% trong tổng số 8 triệu người ở miền Nam có nguy cơ rơi vào đói nghèo, tăng so với 25% hiện nay.

Tương tự tại Afghanistan, nước cũng bị tàn phá bởi chiến tranh như Yemen, đại dịch Covid-19 đã làm ngày càng nhiều người mất việc làm, đẩy giá lương thực lên cao. Theo số liệu của LHQ, số người nghèo đói tại Afghanistan ước tính sẽ tăng lên 42% vào cuối năm nay so với 25% hiện nay.

4. Mỹ tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan và Iraq

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ hiện tại, Tổng thống Donald Trump đang tiến gần hơn đến việc hiện thực hóa cam kết cách đây 4 năm, đó là khép lại những  cuộc chiến “bất tận” của Mỹ ở nước ngoài khi quyết định cắt giảm quân số Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500, trước ngày 15-1-2021.

Lính Mỹ và đồng minh tại tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: Reuters
Lính Mỹ và đồng minh tại tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ đã đạt được thỏa thuận lịch sử với lực lượng Taliban, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ 13.000 binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này trong 14 tháng kể từ ngày ký kết. Thỏa thuận rút quân này được kỳ vọng có thể dẫn tới một cuộc đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, mà nếu thành công, sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ ở Afghanistan kéo dài 19 năm qua. Hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ đã hoàn thành giai đoạn đầu trong thỏa thuận rút quân khỏi Afghanistan, theo đó giảm xuống còn 8.600 binh sĩ trong vòng 135 ngày. Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington tiến tới rút toàn bộ binh sĩ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.

Taliban hoan nghênh kế hoạch cắt giảm quân số của Mỹ tại Afghanistan, coi đây là bước đi tích cực nhằm góp phần chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã có những phản ứng dữ dội về quyết định của ông Trump. Các quan chức cấp cao của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lo ngại quyết định này sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia và đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình vốn mong manh giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cảnh báo kế hoạch của Tổng thống Trump sẽ trao cho các phần tử cực đoan một “chiến thắng lớn mang tính tuyên truyền”, đồng thời tạo khoảng trống để Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cũng như để tổ chức IS tự xưng và mạng lưới Al-Qaeda trỗi dậy. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thì cho rằng việc Tổng thống Trump “vội vàng” rút quân mà không có sự phối hợp chặt chẽ với NATO có nguy cơ một lần nữa biến Afghanistan trở thành “mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cảnh báo về “cái giá rất đắt” của việc rút quân sớm vì IS có thể hồi sinh “vương quốc khủng bố” tại Afghanistan, sau khi chúng đã để mất ở Syria và Iraq. Đức cũng cảnh báo Mỹ hậu quả của việc rút quân sớm khỏi Afghanistan có thể làm phức tạp cho cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

5. Cảnh báo các phần tử cực đoan lợi dụng đại dịch Covid-19 để mở rộng hoạt động

Ngày 18-11, Viện nghiên cứu tư pháp và tội phạm liên khu vực của Liên hợp quốc (UNICRI) công bố báo cáo cảnh báo tội phạm và các phần tử bạo lực cực đoan đang lợi dụng đại dịch Covid-19 làm xói mòn niềm tin đối với các chính phủ, thậm chí biến virus SARS-CoV-2 thành thứ vũ khí để mở rộng hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: europol.europa.eu
Ảnh minh họa. Nguồn: europol.europa.eu

Báo cáo có chỉ ra các phần tử khủng bố, bạo lực cực đoan và các nhóm tội phạm có tổ chức đang cố gắng lợi dụng đại dịch Covid-19 để mở rộng hoạt động và làm suy giảm tính hiệu quả và tin cậy của các biện pháp ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trên thế giới.

Theo Giám đốc UNICRI Antonia Marie De Meo, một vấn đề đáng báo động là một số phần tử khủng bố và nhóm bạo lực cực đoan đang lạm dụng mạng xã hội để kích động các phần tử khủng bố tiềm tàng chủ đích làm lây lan dịch bệnh và sử dụng virus này như một dạng vũ khí sinh học tự chế.

Báo cáo của LHQ dẫn chứng một số vụ việc các nhóm cực đoan yêu cầu các tín đồ phát tán virus bằng cách ho khạc tại cộng đồng họ sinh sống hoặc những địa điểm tụ tập của các cộng đồng thiểu số hoặc tôn giáo. Hay một số nhóm khác còn chủ trương kích động phát tán dịch bệnh ở các nước có dân số đông hoặc mức độ ô nhiễm cao.

Báo cáo cũng chỉ ra cách các phần tử cực đoan lợi dụng mạng xã hội để mở rộng mạng lưới bằng cách khai thác các thuật toán để xác định những người "chung chí hướng" tiềm năng chỉ qua những lịch sử sử dụng mạng xã hội như những hình ảnh mà họ từng thích hoặc chia sẻ, chuyển tiếp. Những nhóm này còn phát tán các thuyết âm mưu, xuyên tạc thông tin về dịch bệnh, hay lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn để thâu tóm các doanh nghiệp, công ty hợp lệ sắp phá sản hoặc để tống tiền các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.