.

Mỹ hủy thiết bị, đóng sứ quán ở Kiev

Cập nhật: 12:12, 15/02/2022 (GMT+7)

Mỹ thông báo tạm thời chuyển hoạt động sứ quán tại Kiev đến Lviv, đồng thời phá hủy máy tính và điện thoại trong tòa nhà trước khi rời đi.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14-2 thông báo tạm thời chuyển hoạt động sứ quán từ thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, phía tây Ukraine với lý do lo ngại cho an toàn của nhân viên khi Nga tập trung quân đội dọc biên giới với Ukraine.

Lviv là thành phố lớn, sát biên giới với Ba Lan, được coi là thủ đô văn hóa của Ukraine. Thành phố này từng có các tên gọi là Lemberg, Lwow, và trở thành một phần của Ukraine năm 1946, khi nước này vẫn thuộc Liên Xô.

Tất cả nhân viên sứ quán Mỹ được cho là đã sơ tán khỏi Kiev trong ngày 14-2. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nhân viên ngoại giao sẽ trở lại Kiev "ngay khi có điều kiện".

Nhân viên an ninh bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Kiev, Ukraine năm 2017. Ảnh: AFP
Nhân viên an ninh bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Kiev, Ukraine năm 2017. Ảnh: AFP

Wall Street Journal dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết nhân viên sứ quán đã phá hủy các thiết bị trước khi rời đi, bao gồm máy tính trạm (máy tính chuyên dụng hiệu năng cao) và hệ thống điện thoại của tòa nhà.

Lệnh sơ tán hoàn toàn đại sứ quán Mỹ tại Kiev được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu phần lớn nhân viên phái bộ rời đi với lý do "lo ngại về hành động quân sự của Nga". Công dân Mỹ cũng được thông báo rời khỏi đất nước bằng phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân.

Các động thái được thực hiện trong bối cảnh Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, sau khi điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự áp sát biên giới nước láng giềng. Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Vị trí thủ đô Kiev (Kyiv) và thành phố Lviv của Ukraine. Đồ họa: Mapbox
Vị trí thủ đô Kiev (Kyiv) và thành phố Lviv của Ukraine. Đồ họa: Mapbox

Trong cuộc họp hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí với đề xuất của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho khủng hoảng Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson thống nhất rằng cánh cửa ngoại giao quan trọng vẫn để ngỏ cho khủng hoảng Ukraine và hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Moskva với các nước NATO.

Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.

Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Mỹ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 11/2 cáo buộc Mỹ "ngày càng cuồng loạn" và "muốn chiến tranh bằng bất cứ giá nào" sau khi Washington quyết định điều thêm 3.000 lính tới Ba Lan, hội quân cùng với 1.700 binh sĩ đã có mặt ở đó.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.