NATO 15 năm không trả lời được câu hỏi của Tổng thống Nga
Nga cho rằng việc Ukraine tìm cách gia nhập liên minh quân sự phương Tây là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua vì điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/2 cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thể trả lời câu hỏi của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ngừng mở rộng tới biên giới của Nga. Vấn đề đã được Tổng thống Putin nêu ra tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007.
Ông Dmitry Peskov nói: “(Tổng thống) Putin đã đưa ra câu hỏi tại sao NATO lại tiếp cận biên giới của chúng tôi bằng những cơ sở hạ tầng quân sự của họ. Vấn đề này được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại và cho đến nay, vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi này.”
Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng cựu Tổng thư ký NATO Manfred Werner đã nói vào năm 1991 rằng việc không mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Đức sẽ là sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho Nga.
Ông Peskov kết luận: “Khi đó, họ không lắng nghe, nhưng tác động như vậy của việc mở rộng đã tích tụ, phát triển và dẫn đến một thực tế rằng, như Tổng thống của chúng ta đang nói, Nga đang trực tiếp đứng ở ‘lằn ranh đỏ’ các lợi ích quốc gia và an ninh của mình.”
Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneissl thừa nhận rằng ông Putin đã đúng trong bài phát biểu tại Munich. Tổng thống Nga khi đó đã chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ và ý tưởng về một trật tự thế giới đơn cực, phản đối gay gắt các kế hoạch mở rộng của NATO.
Sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, theo cương lĩnh của NATO, tổ chức này không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu, Mỹ và các nước phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược "Đông tiến", mở rộng vùng ảnh hưởng của mình sang phía lãnh địa cũ của khối Xô Viết.
Trong vòng 20 năm, Nga đã chứng kiến 14 nước từng trong trường ảnh hưởng của mình nhiều thập kỷ, lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau.
Với việc mở rộng kết nạp thành viên, NATO đã triển khai các kế hoạch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự đến các nước ở Đông Âu với lý do chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông.
NATO cũng mở các cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa hằng năm. Ngoài ra, NATO cũng tạo ra một liên minh gây sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt, thu hẹp ảnh hưởng của Nga ở khu vực.
Giờ đây, Nga cho rằng việc Ukraine tìm cách gia nhập liên minh quân sự phương Tây là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua vì điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/nato-15-nam-khong-tra-loi-duoc-cau-hoi-cua-tong-thong-nga/772702.vnp)