Nhật Bản có thể lập chương trình mới nhận thực tập sinh nước ngoài
Ngày 19-4, một hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã đề xuất thiết lập một chương trình đào tạo kỹ thuật mới dành cho các lao động nước ngoài để giúp đảm bảo nguồn nhân lực trong nước.
Một thực tập sinh Việt Nam tại Công ty TNHH Công nghiệp Taisei. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 19/4, một hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản đã đề xuất thiết lập một chương trình đào tạo kỹ thuật mới dành cho các lao động nước ngoài để giúp đảm bảo nguồn nhân lực trong nước.
Hội đồng trên được giao nhiệm vụ đánh giá chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài hiện tại.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo tạm thời được soạn thảo ngày 19/4, hội đồng đã kêu gọi hủy bỏ chương trình hiện tại và thiết lập một chương trình mới.
Tuy nhiên, so với bản dự thảo đề xuất mà hội đồng này đưa ra hôm 10/4, dự thảo báo cáo mới nhất nhấn mạnh thêm sự cần thiết của việc đảm bảo nguồn nhân lực trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Mặt khác, phản hồi trước những chỉ trích rằng chương trình đào tạo kỹ thuật hiện nay là vi phạm nhân quyền, dự thảo báo cáo mới cũng bổ sung thêm các nội dung khẳng định sự cần thiết phải quan tâm đầy đủ tới người lao động nước ngoài.
Theo kế hoạch, hội đồng trên sẽ công bố báo cáo tạm thời về đánh giá chương trình thực tập sinh nước ngoài vào cuối tháng 4 này và đưa ra báo cáo cuối cùng vào mùa Thu.
Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật vào năm 1993. Chương trình này đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng thiếu nhân công ở Nhật Bản.
Tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản đã tiếp nhận 325.000 thực tập sinh nước ngoài, tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó, chiếm gần 20% trong số 1,82 triệu lao động nước ngoài ở nước này.
"Chương trình Thực tập sinh nước ngoài" chủ yếu dành cho lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất, cho phép các thực tập sinh nước ngoài được làm việc tại Nhật trong 5 năm.
Chương trình này đã vấp phải chỉ trích do có thể tạo điều kiện cho các công ty thuê lao động giá rẻ và không đảm bảo điều kiện làm việc
Theo bản dự thảo, mục tiêu của hệ thống mới sẽ là “bảo đảm” và “phát triển” nguồn nhân lực, thay vì chỉ bao gồm yếu tố "phát triển" như chương trình hiện hành.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-co-the-lap-chuong-trinh-moi-nhan-thuc-tap-sinh-nuoc-ngoai/858048.vnp)