.

Thấy gì qua CPTPP?

Cập nhật: 15:49, 07/03/2018 (GMT+7)

Theo dự kiến, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), còn được gọi là TPP-11, sẽ được ký kết vào ngày 8-3 tại Chile. Sự kiện này được xem như mở thêm một trang mới trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam.

Tất nhiên, khi một hiệp định kinh tế được ký kết sẽ luôn đặt lợi ích của mỗi quốc gia thành viên lên hàng đầu. Việt Nam cũng kỳ vọng về CPTPP như thế. Nhìn về góc độ lợi ích, theo phân tích của các chuyên gia, điểm đầu tiên có thể nhận thấy là CPTPP sẽ tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa và đầu tư của Việt Nam nói riêng và các nước thành viên nói chung tiếp cận một thị trường rộng lớn ở châu Á Thái Bình Dương mà điển hình là Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là đối tác thương mại lớn của nhiều nước thành viên.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Tiền Giang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Tiền Giang tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nhìn ở khía cạnh khác, CPTPP cũng có những thỏa thuận mạnh mẽ về môi trường và lao động, được xem là rộng mở hơn tất cả các hiệp định thương mại tự do trên thế giới đã ký kết từ trước đến nay.

Đây cũng là lần đầu tiên, trong khuôn khổ CPTPP, các vấn đề về lao động được giải quyết qua cơ chế giải quyết tranh chấp, đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ giữa các công ty bản địa và nước ngoài với người lao động tại tất cả các nước thành viên. Điều này giúp bảo đảm rằng không một nước thành viên nào thu được lợi thế cạnh tranh thương mại nhờ có luật lao động lỏng lẻo và không được thực thi nghiêm túc.

Nhìn về tác động của CPTPP, PGS.TS. Nguyễn Văn Ngãi, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TPP-11 hay CPTPP đem lại khả năng tự do hóa thương mại, hàng hóa được lưu thông tự do trong khối 11 nước.

Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nhưng thị trường trong nước cũng sẽ cạnh tranh quyết liệt, trong đó có nông sản. Nhiều trường hợp sẽ thất bại ngay trên sân nhà như bò sữa - không có khả năng cạnh tranh với sữa Úc, New Zealand.

Nói chung, ngành trồng trọt có nhiều lợi thế, khả năng xuất khẩu nhiều hơn nhưng ngành chăn nuôi rất yếu thế. “Tôi cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn khi CPTPP có hiệu lực nên cần phải cấu trúc lại toàn bộ và ngày đó sẽ đến rất nhanh”- PGS.TS. Nguyễn Văn Ngãi đưa ra nhận định.

Tất nhiên, ở mỗi hiệp định kinh tế bên cạnh những lợi ích to lớn bao giờ cũng hàm chứa không ít thách thức buộc mỗi quốc gia phải cải cách và thích ứng. Thế nhưng, theo như phân tích của các chuyên gia, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về điều này.

Tại Hội nghị phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xóa bỏ thuế quan cũng như mở cửa thị trường, dịch vụ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU hay CPTPP.

Thật ra, Việt Nam đã tham gia vào sân chơi chung của thị trường thế giới đã hơn 20 năm, kể từ khi tham gia vào khối ASEAN năm 1995, tiếp theo đó là ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006 và hàng loạt các hiệp định thương mại với các đối tác khác. Kết quả rõ ràng nhất là hội nhập đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh và tất nhiên cũng sẽ tạo ra những thách thức.

Nhà đầu tư tìm hiểu về các dự án thu hút đầu tư tại Tiền Giang.
Nhà đầu tư tìm hiểu về các dự án thu hút đầu tư tại Tiền Giang.

Nhìn ở góc độ địa phương, Tiền Giang cũng như một số tỉnh, thành khác trong cả nước đã có quá trình hội nhập quốc tế khá sớm, ngay từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, khi lần đầu tiên từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam đã xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn đó, chủ yếu là hội nhập về kinh tế, Tiền Giang chưa có quan hệ hợp tác về chính trị với các nước và các hoạt động ngoại giao về văn hóa, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại... cũng chưa được đặt ra. Những năm gần đây, về mặt chính trị đối ngoại, Tiền Giang đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số tỉnh, thành của các nước như: Bang Quensland (Úc), tỉnh Pursat  (Vương quốc Campuchia), tỉnh Maputo (Mozambique), thành phố Changwon (Hàn Quốc), tỉnh Khăm Muộn (Lào)…

Điểm nhấn đáng kể là kể từ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 11-1-2007, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong nước, Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ ODA, viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Điểm nhấn là GDP tăng bình quân của cả giai đoạn từ 2010 - 2015 là 11%. Đặc biệt là kết thúc năm 2017, Tiền Giang cũng đạt được nhiều điểm sáng về thu hút đầu tư, thu ngân sách, xuất khẩu được duy trì ở nhóm đầu so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Và như vậy, với CTTPP chuẩn bị được ký kết và những kết quả về hội nhập kinh tế đã đạt được trong những năm gần đây, chúng ta có quyền tin tưởng, kỳ vọng Tiền Giang sẽ đón nhận nhiều cơ hội mới để tăng tốc nhanh và bền vững...

ANH PHƯƠNG

.
.
.