Tinh thần nghĩa hiệp - trân trọng và trăn trở
Chuyện hai "hiệp sĩ" quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh hy sinh khi đang truy bắt cướp đã gây xúc động trong cộng đồng. Nghĩa khí "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" đã có từ cha ông ta qua nhiều thế hệ; nó như một cốt cách của người Việt từ bao đời nay. Giữa những bộn bề lo toan, giữa những sân si tính toán thiệt hơn trong cuộc sống đời thường; giữa lúc tình hình an ninh trật tự nhiều lúc, nhiều nơi còn phức tạp, thì hành động xả thân của anh em, những người lao động bình thường, thật đáng trân trọng. Nếu trong cuộc sống này, ai cũng co mình trước cái ác thì sẽ ra sao?
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có Công điện gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an chia buồn cùng gia đình các nạn nhân, đồng thời chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương nhóm “hiệp sĩ” đã sẵn sàng hy sinh thân mình, góp phần bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố cũng như gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, thân nhân người bị nạn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi các "hiệp sĩ" ở bệnh viện. ảnh:SGGP |
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đến bệnh viện thăm hỏi động viên tình hình sức khỏe của hai “hiệp sĩ” trẻ tuổi; đồng thời dặn dò đội ngũ ý bác sĩ tận tâm chữa bệnh, chăm sóc đối với các “hiệp sĩ” thật tốt. Trong quá trình điều trị, nếu phát sinh khó khăn về kinh phí, thành phố sẽ vận động, kêu gọi tài trợ để đảm bảo việc chăm sóc, điều trị của các “hiệp sĩ” được tốt nhất.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đều biểu dương, ghi nhận tinh thần nghĩa hiệp, dám xả thân vì cộng đồng của các anh, các anh xứng đáng được phong " hiệp sĩ" giữa đời thường. Điều trăn trở còn đọng lại là làm thế nào để đẩy lùi cái ác, trấn áp được tội phạm, làm thế nào để đảm bảo được sự an toàn cho những "hiệp sĩ"; cần có cơ chế nào, hay trang bị phương tiện nào nhằm giúp các "hiệp sĩ" tự bảo vệ mình và tấn công tội phạm tốt hơn?
DS