Báo chí trước thách thức của mạng xã hội
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong “thời đại 4.0”, báo chí đang có những thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó thách thức là rõ nhất. Cụ thể, hiện nay, mạng xã hội đang phổ cập đến từng ngóc ngách, làm thông tin trên báo chí chính thống ngày càng ít người quan tâm.
Nếu như trước đây báo chí là kênh cung cấp thông tin đầu tiên, thì nay mạng xã hội chiếm “thế thượng phong” do sự lan tỏa rộng, và cả vấn nạn tin giả (fake news) đang làm nhiễu loạn thông tin, dẫn dắt dư luận đi chệch hướng. Trong khi việc ngăn chặn tin giả, định hướng lại thông tin của báo chí là rất khó. Đó là vấn đề đang làm “đau đầu” các cơ quan báo chí.
Làm cách nào để những bài báo tâm huyết, trang báo hấp dẫn đến được với người đọc đang là vấn đề đặt ra. Thực tế hiện nay, một bộ phận độc giả, nhất là giới trẻ tìm hiểu thông tin chủ yếu từ mạng xã hội. Nhiều câu hỏi đặt ra: Công chúng đọc gì mỗi khi lên mạng, xem báo? Tính hấp dẫn và tính chính trị của một bài báo phải hài hòa như thế nào để thu hút công chúng? Làm thế nào để những thông tin chính thống, những bài báo có tính định hướng cao đến với độc giả, nhất là với những độc giả trẻ?... Những câu hỏi trên đang thách thức những người làm báo.
Vừa qua, một bộ phận nhân dân, số đông là lớp trẻ, trong đó có công nhân tham gia ngừng việc tập thể, tụ tập gây rối để phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cho thấy những thông tin sai lệch đã lấn át những thông tin chính thống của báo chí.
Các đối tượng này gần như không tìm hiểu, kiểm chứng thông tin từ báo chí, mà chủ yếu qua những lời kêu gọi, bình luận và cả kích động trên mạng xã hội, dẫn đến những suy nghĩ và hành động chệch hướng.
Các nhà báo tác nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2010 |
Rõ ràng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, vì thế báo chí cần phải thay đổi nhanh để thích ứng và làm tốt vai trò của mình trong xu thế bùng nổ thông tin của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Cụ thể, bản thân các cơ quan báo chí phải thay đổi mô hình tòa soạn theo hướng truyền thông đa phương tiện, cần tương tác với bạn đọc nhiều hơn. Ngoài tương tác trên mạng xã hội, cần có nhiều kênh thông tin khác trên không gian mạng. Có như thế mới có thể đưa thông tin chính thống đến bạn đọc theo nhiều hướng. Để làm được điều này, ngoài tư duy của người đứng đầu, cần phải có hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho báo hoạt động theo hướng công nghệ hiện đại và cần có lộ trình để báo tìm kiếm nguồn thu, cân đối ngân sách hoạt động.
Cơ quan chủ quản báo chí, đặc biệt các báo Đảng, đoàn thể cần có cái nhìn mới về cách chuyển tải thông tin, về quản lý báo chí trong xu thế mới, quan tâm hỗ trợ cho báo thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động thích ứng với điều kiện mới, nhất là hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ và cơ chế hoạt động.
Về con người, đây là nhân tố quan trọng nhất. Để làm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, ngoài bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhà báo cần phải có chuyên môn giỏi và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số. Bởi làm báo cũng là làm chính trị, vì thế báo chí chỉ có thể làm tốt vai trò của mình khi có một đội ngũ những người làm báo cách mạng vững vàng về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị, có nhận thức tư tưởng đúng đắn.
Mặt khác, trong thời đại mà “mọi thứ đều nhanh” như hiện nay, thì tư duy của người làm báo cũng cần phải “động” nhiều hơn nữa; cần phải có trải nghiệm để rút ra những đúng, sai của thông tin, nhất là khi tham gia và khai thác thông tin trên mạng xã hội. Và cần phải có tri thức, am hiểu vấn đề mình phụ trách để có thể chuyển tải thông tin, định hướng dư luận, phản biện vấn đề, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch bằng những bài báo có sức thuyết phục và hấp dẫn.
DUY SƠN