Nhớ về cầu Mỹ Thuận năm 2000
Hôm nay, 27-5-2018 cầu Cao Lãnh khánh thành nối đôi bờ sông Tiền, sự kiện tiếp tục làm nức lòng người dân đồng bằng; gợi cho ta nhớ về cầu Mỹ Thuận 18 năm trước, một sự kiện được xem là lịch sử của người dân miền Tây sông nước.
Lần đầu tiên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Việt Nam có cây cầu dây văng tuyệt đẹp nối đôi bờ sông Tiền sau bao năm đò giang cách trở. Ngày ấy, người dân đồng bằng ùn ùn đổ về cầu Mỹ Thuận, để ngắm cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, một cây cầu trong mơ, với biết bao xúc cảm và kỳ vọng.
Cầu Mỹ Thuận khởi công ngày 6-7-1997 và khánh thành vào 21- 5 -2000. |
18 năm, lần lượt những cây cầu nối đôi bờ vui của ĐBSCL ra đời: Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông. Cổ Chiên, và sắp tới sẽ là Đại Ngãi, Vàm Cống. Miền Tây Nam bộ giờ đây đã nối liền một tuyến, tạo động lực cho vùng đất chín Rồng phát triển vươn lên.
Nhiều phấn khởi và kỳ vọng theo từng cây cầu được khánh thành, và cầu Cao Lãnh hôm nay cũng thế; bởi cùng với cầu Vàm Cống, đây là một phần quan trọng của dự án “Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL” nhằm tạo thuận lợi cho người dân khu vực Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP Hồ Chí Minh nhanh hơn, không lệ thuộc vào QL1A.
Dự án này còn kết nối với tuyến N2 hiện hữu, cùng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công, tạo nên các trục giao thông quan trọng khác kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đó là những dự án kết nối cánh “đằng tây” của ĐBSCL.
Phà Cao Lãnh đã hoàn thành sứ mệnh trăm năm của mình khi cầu Cao Lãnh khánh thành. Ảnh:Vn.Express |
Với các tỉnh “đằng đông” của khu vực Tây Nam bộ, cũng đang náo nức chờ đợi khánh thành cầu Đại Ngãi dự kiến trong năm 2018. Đây là cũng là cây cầu huyết mạch trên tuyến Quốc lộ 60, sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh các tỉnh ven biển của khu vực Tây Nam bộ như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... rút ngắn được khoảng 70 km từ TP. Hồ Chí Minh đi Sóc Trăng, giúp tiết kiệm chi phí vận tải, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Quốc lộ 1A, và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
18 năm, một chặng đường không phải ngắn của sự phát triển, chúng ta lại có cây cầu dây văng thứ ba bắc qua sông Tiền và sắp tới sẽ là cầu Vàm Cống qua sông Hậu. ĐBSCL gần như hoàn tất những cây cầu huyết mạch, đó là những nét chấm phá quan trọng cho bức tranh miền Tây sông nước thêm khởi sắc. Hạ tầng giao thông đã cơ bản, nhưng để hoàn thiện và là động lực thực sự cho sự “cất cánh” những con rồng châu thổ, thì tất cả vẫn còn ở phía trước.
Bởi cầu đã xong, nhưng đường thì vẫn chưa đồng bộ; những tuyến quốc lộ về miền Tây vẫn còn nhiều điểm nghẽn, và có quốc lộ vẫn còn dáng vóc “đồng bằng” nhỏ hẹp. Nhiều dự án giao thông quan trọng vẫn còn đang gặp khó khăn về vốn, trong đó đặc biệt là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, một dự án đang được chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều của người dân ĐBSCL. Nhìn dòng người rồng rắn, vất vả về quê mỗi dịp lễ, tết sẽ cảm nhận đường về miền Tây vẫn còn đó nhiều việc phải làm.
Nhớ về sự kiện cầu Mỹ Thuận hôm qua, cảm nhận những thay đổi hôm nay, và suy nghĩ về ngày mai để cùng tin tưởng và kỳ vọng. Kỳ vọng vào một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, tạo động lực cho vùng đất được xem là nhiều tiềm năng, nhưng lại là " vùng trũng" với sông ngòi chằng chịt, có điều kiện vững bước vươn lên.
DUY SƠN