Lại nói về câu chuyện lúa - gạo
(ABO) Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thu mua tạm trữ lúa - gạo vụ đông xuân 2018 - 2019 nhằm giải cứu tình hình khó khăn trong tiêu thụ lúa - gạo trong thời gian gần đây.
Đây được xem là quyết định đúng đắn và kịp thời nhằm gỡ khó cho người trồng lúa vốn chịu không ít thiệt thòi do biến động giá cả trên thị trường.
Tất nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan câu chuyện tạm trữ lúa - gạo không còn là vấn đề mới, bởi điều này đã được triển khai ở nhiều năm trước.
Xoay quanh câu chuyện tạm trữ lúa - gạo mới có thể nhận ra rằng, đời sống của nông dân, trong đó có người trồng lúa chưa bao giờ nguôi điệp khúc “được mùa rớt giá”. Câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại và vẫn chưa có hồi kết.
Câu chuyện tạm trữ lúa - gạo chỉ tạm lắng một ít năm gần đây và năm nay quay trở lại cho thấy ngành hàng lúa - gạo chưa thật sự mang tính bền vững.
Bởi trên thực tế, nếu nhìn vào ngành hàng lúa - gạo của năm 2018 vừa qua mới thấy rằng, đó là một năm thành công của ngành hàng lúa - gạo Việt Nam.
Câu chuyện lúa - gạo trở thành nóng bỏng những ngày gần đây. |
Phó Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lương thực có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chia sẻ rằng, năm 2018 trên phạm vi cả nước, lúa - gạo đã mang về nhiều tín hiệu tích cực.
Theo đó, sau 6 năm, cả nước mới xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn, tăng hơn 3% so với năm 2017 và tăng hơn 15% về giá trị.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường xuất khẩu gạo cũng tăng đáng kể. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, xuất khẩu gạo từ chỗ 60 thị trường đã tăng lên con số 150.
Chưa kể, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng đã được thay đổi, theo chiều hướng tăng dần gạo chất lượng cao. Điều này một phần cũng xuất phát từ chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của cả nước.
Nhiều người đang kỳ vọng ngành hàng lúa - gạo sẽ tiếp tục tăng tốc. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố. Điều cơ bản xuất phát từ Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đã “cởi trói” cho nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Chưa kể thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã được xác định thông qua Festival lúa gạo lần thứ III vừa được tổ chức tại tỉnh Long An hay Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ mở ra một chương mới cho kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành hàng lúa - gạo.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn những ngày gần đây mới thấy, ngành hàng lúa - gạo chưa thật sự bền vững. Và dĩ nhiên, người làm ra hạt gạo chưa thật sự yên tâm về những kết quả mình làm ra.
Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng suy cho cùng đó là một trong những hệ lụy của nền kinh tế thị trường đã và đang vận hành của nền kinh tế Việt Nam.
A.P