Gốc rễ của đạo đức nhà báo là đạo đức của công dân
Đánh giá về lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những lời tâm huyết như “vượt qua nhiều khó khăn, thách thức,” “không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng,” “là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân”…
Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018), Thủ tướng cảm thấy “tự hào về đội ngũ trên 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.”
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần được nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục, trong đó “cá biệt có những nhà báo, cơ quan báo chí còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm báo, vi phạm pháp luật; thậm chí có nhà báo bị xử lý hình sự.”
Vụ việc nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình (báo Thương hiệu và Công luận) ngày 18-12-2018 bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang (sau đó bị đề nghị khởi tố) đang tống tiền doanh nghiệp nước ngoài 70.000 USD, là một trong những trường hợp cá biệt mà Thủ tướng đã cảnh báo.
Và thực tế là không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, vấn đề đạo đức người làm báo cũng được nhấn mạnh và có những quy định riêng, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện lịch sử của quốc gia đó cũng như tiêu chí của tờ báo.
Tờ Los Angeles Times (Thời báo Los Angeles, Mỹ) đưa ra danh sách những nguyên tắc đạo đức rất chi tiết đối với các phóng viên, những điều họ được làm và không được làm, trong đó nêu rõ phóng viên không được sử dụng quan hệ của mình với tờ báo để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, để được đối xử đặc biệt hay kiếm lợi cá nhân.
Hội đồng Nhà báo Nga ban hành quy định về đạo đức báo chí và bắt buộc các hội viên của Hội Nhà báo Liên bang Nga phải tuân thủ.
Trong các quy định có điều khoản nhà báo phải coi các hành động sau đây là tội phạm báo chí nghiêm trọng, bao gồm bóp méo sự thật có ác ý, vu cáo, lấy tiền để đưa tin sai sự thật, hoặc giấu giếm thông tin đúng sự thật trong bất kỳ tình huống nào.
Với Ấn Độ, một quốc gia rộng lớn và trong lịch sử có nhiều xung đột giữa các sắc tộc, đẳng cấp, tôn giáo thì việc đoàn kết dân tộc là mục tiêu cao nhất của báo chí.
Do đó, các quy định về đạo đức báo chí đều nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là giúp thúc đẩy sự hợp nhất, đoàn kết trong trái tim, khối óc của mọi người, không xuất bản những tài liệu kích động sự căm thù giữa các tộc người. Tránh những cáo buộc chung chung chống lại bất kỳ cộng đồng nào dựa trên sự phận biệt không công bằng, gây nên sự thù ghét và căm giận giữa các cộng đồng.”
Tại Nhật Bản, quyền tự do ngôn luận được đề cao nhưng quy tắc đạo đức báo chí cũng gắn tự do ngôn luận với trách nhiệm trước xã hội - tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người và báo chí nắm hoàn toàn quyền tự do đó trong việc tường thuật tin tức và các bài xã luận.
Tuy nhiên, để thực hành quyền tự do đó, các cơ quan báo chí phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm nặng nề của họ và luôn phải lưu tâm đến việc không làm ảnh hưởng tới lợi ích chung…
Còn ở Việt Nam, ngày 15-12-2016, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã thông qua Mười điều Quy định đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo Việt Nam tại Kỳ họp thứ 5.
Mười điều Quy định đạo đức người làm báo có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 cùng với Luật Báo chí năm 2016.
Tinh thần toát ra từ Mười điều Quy định đạo đức người làm báo là trách nhiệm công dân của người cầm bút. Nhà báo trước hết là một công dân, phải sống và làm việc theo pháp luật.
Những điều nhà báo phản ánh qua ngòi bút, góc máy, ống kính phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm của một công dân Việt Nam. Trách nhiệm trước đất nước, cộng đồng không cho phép nhà báo vì lợi ích cá nhân mà làm sai lệch, bóp méo sự thật.
Trách nhiệm công dân cũng buộc người làm báo phải tự giác tuân thủ mọi quy định của pháp luật, phản ánh trung thực, chính xác, khách quan những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới.
Ông Lê Công Đồng, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữ quan điểm: “Như bao con người bình thường khác trong xã hội, trước hết nhà báo cần phải có được những yêu cầu cơ bản của đạo đức một con người; đó là trách nhiệm, lương tâm, chuẩn mực hành vi ứng xử, lời nói và các giá trị chuẩn mực xã hội khác mà văn hóa loài người tạo nên. Nhà báo trước hết phải là một con người sống có đạo đức, biết nghĩ đến người khác, biết yêu thương, chia sẻ, sống khiêm tốn, giản dị, không tự cao, tự đại, kiểm soát lòng tham, sự ham muốn về địa vị, tiền bạc, danh vọng…”
Nhìn từ góc độ này thì đạo đức công dân, đạo đức của con người bình thường là điều kiện tiên quyết hình thành đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Suy cho cùng thì bao trùm đạo đức nghề nghiệp là đạo đức con người.
Đạo đức nghề nghiệp thực ra chỉ là sự thể hiện một cách cụ thể đạo đức của con người trong quá trình hành nghề của nhà báo với những yêu cầu, đòi hỏi cụ thể bởi đặc trưng của nghề báo.
Không thể xây dựng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nếu như người làm báo thiếu đi những giá trị đạo đức cơ bản của một người bình thường.
Việc bồi dưỡng đạo đức người làm báo được bắt đầu khi người phóng viên gia nhập một cơ quan báo chí thì đây là điều cần nhưng chưa đủ, ví như chúng ta chăm sóc ngọn cho một cái cây.
Việc rèn giũa đạo đức phải được thực hiện sớm hơn, từ trên ghế của trường báo chí, sớm hơn nữa là trong môi trường phổ thông, từ trong gia đình.
Đây được coi là việc chăm cây từ gốc rễ. Đạo đức người làm báo không kết tinh từ hư vô, nó đơm hoa kết trái từ đạo đức làm người.
Theo một cách diễn giải khác, nền tảng đạo đức nghề nghiệp của các phóng viên không chỉ hình thành trong quá trình tác nghiệp mà phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giáo dục đạo đức trong gia đình, học đường và xã hội trước đó.
Một nhà báo để sự tham lam về vật chất, ham muốn địa vị lôi kéo không thể “thoát thai” từ một con người vô tư, trong sáng…
Trở lại với trường hợp nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình. Dĩ nhiên, không thể loại trừ trách nhiệm quản lý, giáo dục của tập thể lãnh đạo tòa soạn báo Thương hiệu và Công luận.
Tuy vậy, trong vụ “cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp” nói trên rõ ràng hành động vi phạm pháp luật của nữ phóng viên có gốc rễ từ cái tâm không sáng, đạo đức làm người không chuẩn chỉ.
(Theo TTXVN)