Trợ giá lúa gạo của Thái Lan: "Con dao hai lưỡi" đối với Việt Nam?
Chính phủ Thái Lan đã thông qua gói ngân sách 21,5 tỉ baht để đảm bảo giá lúa gạo ở mức hợp lý cho nông dân. Điều này, liệu có ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Việt Nam hay không?
Thái Lan trợ giá lúa gạo cho nông dân là con dao hai lưỡi cho xuất khẩu gạo của các nước, trong đó, có Việt Nam? Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Nội các Thái Lan mới đây đã thông qua gói ngân sách 34,8 tỉ baht để trợ giá lúa gạo và dầu cọ cho nông dân của quốc gia này, trong đó, ngân sách cho riêng ngành lúa gạo là 21,5 tỉ baht, tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) cho biết.
Theo đó, chương trình này sẽ có 892.000 hộ nông dân sản xuất lúa đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan sẽ được hưởng lợi. Mục đích của chương trình nhằm giúp đảm bảo giá lúa có lợi cho người nông dân trước những biến động giảm giá.
Chính sách này được áp dụng trong vòng 1 năm, bắt đầu từ tháng 10-2019 với 5 loại sản phẩm, gồm giống lúa sản xuất gạo trắng; giống thơm Hom Mali; thơm Pathum Thani; giống lúa nếp và các loại lúa thơm khác. Trong đó, Chính phủ Thái Lan đảm bảo giá lúa sản xuất gạo trắng ổn định ở mức 10.000 baht/tấn (tương đương khoảng 325 đô la Mỹ/tấn); lúa nếp 12.000 baht/tấn (tương đương khoảng 390 đô la Mỹ/tấn)…
Một câu hỏi được đặt ra, đó là chương trình trợ giá nêu trên sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia xuất khẩu gạo khác, trong đó, có Việt Nam?
Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần phân tích thị trường Việt Nam (Agromonitor) cho rằng, việc Thái Lan trợ giá lúa cho nông của quốc gia này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo Việt Nam. Bởi, mặt bằng giá của Thái Lan không cạnh tranh mạnh với mặt bằng giá của Việt Nam (tức giá cao hơn Việt Nam).
“Thêm nữa, những giống thơm nhẹ của Việt Nam (OM 5451, Đài Thơm 8) đang có lợi thế và khoảng cách giá cạnh tranh khá lớn so với các giống thơm của Thái Lan và đang được thị trường ưa chuộng”, ông cho biết và tái nhấn mạnh chính sách của Thái sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi phân tích, Chính phủ Thái Lan sử dụng ngân sách để đảm bảo giá mua lúa cho nông dân ổn định ở một mức nào đó trong trường hợp giá xuống thấp, tức nông dân Thái Lan sẽ được lợi từ chương trình này.
Thế nhưng, theo ông Phong, xét ở khía cạnh xuất khẩu, thì chương trình nêu trên sẽ gặp bất lợi. Bởi, khi Thái Lan nâng giá mua lúa cho nông dân đồng nghĩa giá gạo sản xuất ra cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn hay nói cách khác việc can thiệp thông qua chương trình trợ giá đã làm “méo mó” quy luật thị trường trong định giá của mặt hàng lúa gạo. Trong khi đó, gạo Thái Lan khi xuất khẩu ra bên ngoài buộc phải cạnh tranh theo quy luật thị trường với các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Campuchia…
“Một bên, sản phẩm bị can thiệp (làm tăng giá), không theo quy luật thị trường, trong khi các bên còn lại sản phẩm giữ tăng/giảm theo quy luật thị trường, thì rất khó để gạo Thái Lan cạnh tranh tốt khi xuất khẩu được”, ông Phong cho biết.
Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trường hợp nếu Thái Lan trợ giá cho nông dân dẫn đến xuất khẩu gạo gặp khó hay nói cách khác tồn kho tăng cao, thì khả năng sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia xuất khẩu gạo khác.
“Chúng ta đã từng chứng kiến chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từ năm 2011, khiến lượng gạo tồn kho của quốc gia này tăng cao kỷ lục, có thời điểm đã vượt 11 triệu tấn”, vị này dẫn chứng và cho biết điều đó buộc Chính phủ Thái Lan phải "xả" kho gạo có chất lượng ngày càng giảm (tồn kho lâu ngày) với giá rẻ, khiến các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam cũng lao đao không kém.
Những vấn đề đặt ra ở trên cho thấy, việc trợ giá lúa gạo cho nông dân của Thái Lan cũng là con dao hai lưỡi đối với các nước xuất khẩu gạo vốn là đối thủ cạnh tranh của quốc gia này, trong đó, có Việt Nam.
(Theo thesaigontimes.vn)