.

Từ triết lý bóng đá của Philippe Troussier đến đời thường

Cập nhật: 16:56, 17/11/2019 (GMT+7)

(ABO) World Cup 2002 do Nhật Bản và Hàn Quốc đồng tổ chức, hai đội chủ nhà đã thi đấu tưng bừng, ấn tượng.Thành công đó có công lớn của hai HLV kỳ cựu Guus Hiddink (HLV đội Hàn Quốc) và Philippe Troussier (HLV đội Nhật Bản).

Philippe Troussier được mệnh danh là "phù thủy trắng" hiện đang đảm nhận vai trò huấn luyện cho tuyển U19 Việt Nam tại giải U19 Châu Á. HLV kỳ cựu người Pháp kể, thời điểm đó khi mới tới Nhật Bản (ông huấn luyện tuyển Nhật từ 1998-2002), ông nhận thấy mọi điều kiện làm việc đều lý tưởng; các cầu thủ Nhật vô cùng kỷ luật, đầy quyết tâm và giàu tính đồng đội; nhưng sau đó Troussier cũng nhận ra những mặt trái của nó. "Trong các buổi tập, tôi hỏi về những giải pháp đột phá, các cầu thủ đều im lặng nhìn nhau. Những cầu thủ Nhật có tinh thần tập thể tuyệt đối. điều đó tốt, nhưng mặt trái của tính đồng đội quá mức là thiếu sáng tạo, thiếu đột phá; tôi phải mất nhiều năm để thay đổi tư duy đó" HLV người Pháp kể.

aaa
Bóng đá, một phần thú vị của cuộc sống, có niềm vui và cả nỗi buồn

Rõ ràng bóng đá là môn thể thao tập thể, vì thế tính đồng đội, tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu, nó quyết định cho việc thực hiện tốt đấu pháp của HLV. Tuy nhiên, trên sân cỏ khi thực hiện đấu pháp, rất cần những suy nghĩ táo bạo, vận dụng sáng tạo, những phút đột phá xuất thần để có thể làm thay đổi cục diện trận đấu. Do đó, tính quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cá nhân mỗi cầu thủ là yếu tố quyết định, tạo bất ngờ có thể thay đổi tất cả. Bàn thắng ví như "tuyệt phẩm" của Tiến Linh trong trận đầu với UAE vừa qua là một ví dụ.

Từ bóng đá nghĩ đến thực tế cuộc sống, thấy có sự tương đồng. Để làm tốt một công việc, cần phải có kế hoạch, giải pháp; cần sự cộng đồng trách nhiệm của tập thể. Nhưng vai trò cá nhân cũng quan trọng không kém, đó là sự năng động, sáng tạo trên nền giải pháp chung đã thống nhất. Ở cơ quan đơn vị cũng thế, tính kỷ luật, qui chế hoạt động phải được đặt lên hàng đầu, mọi thành viên phải tuân thủ trên tinh thần vì cái chung, vì tập thể, vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, với từng công việc cụ thể được giao theo chức trách nhiệm vụ rất cần sự năng động, suy nghĩ sáng tạo, dám nghĩ, dám đột phá của từng cá nhân. Đây là điều kiện đủ cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung.

Và để dung hòa mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giải quyết thỏa đáng tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và sự sáng tạo, phá cách của cá nhân trong việc thực thi nhiệm vụ là việc làm quan trọng mà lãnh đạo, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần phải quan tâm.

DUY SƠN
 

.
.
.