.

Từ "ATM gạo" đến "ATM tiền"

Cập nhật: 09:19, 11/04/2020 (GMT+7)
Chiếc máy phát gạo miễn phí tự động là sự kết hợp giữa óc tháo vát và tính nhân văn của con người Việt Nam. Có khi nào công nghệ trở nên..."dễ thương" như thế?
 
Cách nào để có thể vừa làm từ thiện, vừa tôn trọng Chỉ thị 16 về “cách ly xã hội” - không tụ tập đông người tại điểm phát hàng? Điều đó đã được giải quyết một cách rất thông minh bởi anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (TPHCM).
 
Một điểm phát gạo tự động được dựng lên và hoạt động từ ngày 6/4 cho đến khi nào hết dịch thì thôi, người ta thích thú gọi đó là cây “ATM gạo”. Chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra và người cần sẽ lấy mang về.
 
Mọi thao tác đều được sử dụng thông qua công nghệ AI, mỗi người dân đều đứng cách nhau 2m để đảm bảo an toàn trong phòng dịch COVID-19.
 
“ATM gạo” là sự kết hợp giữa trí thông minh, tháo vát và lòng bao dung, đùm bọc lẫn nhau của người Việt trong lúc khó khăn. Thế nên, nó không chỉ là một giải pháp công nghệ “nóng bỏng” mà còn cho thấy khí chất được ca tụng lâu nay của con người Việt Nam.
 
a
Trạm "ATM" gạo ở quận Tân Phú, TPHCM
Nhắc đến ATM, lại nhớ về một câu chuyện rất đáng tự hào nhưng ít người nhắc đến, đó là Tiến sĩ Đỗ Đức Cường, cha đẻ của chiếc máy rút tiền tự động (Automated Teller Machine - ATM).
 
Sinh ra và lớn lên tại Miền Trung, ông Cường sớm tạo lập sự nghiệp ở đẳng cấp toàn cầu. Khi đang đầu quân cho Toshiba, ông vô tình gặp được Giám đốc Ngân hàng CityBank tại một buổi hòa nhạc.
 
Ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến CityBank cùng đề nghị: “Dùng kỹ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”. Tại định chế tài chính lớn nhất nhì thế giới này, ông Cường đã phát tiết hết tố chất, với tôn chỉ “mang ngân hàng đến với mọi người” máy ATM là một trong số đó.
 
Ngày nay, máy rút tiền tự động kèm theo chiếc thẻ mỏng dính để trong ví đã trở thành biểu tượng của một xã hội công nghiệp, văn minh. Phát minh quan trọng này giúp dòng tiền lưu chuyển nhanh hơn, tiết kiệm hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.
 
a
Còn đây là "ATM tiền" do người Việt sáng chế đang được sử dụng rộng rãi khắp thế giới

Ở đâu đó, khi nhìn vào xã hội Việt Nam, người ta thường than thở “sao nhân tài như lá mùa thu”, không ít câu hỏi hóc búa như khi nào Việt Nam mới hùng cường? Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ văn minh tiến bộ của nhân loại?...

Từ Tiến sĩ Cường, và còn nhiều trường hợp khác nữa đang làm vang danh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ nhân loại. Chất xám hay kinh tế đẳng cấp cao là khát vọng của mọi dân tộc, Việt Nam không ngoại lệ.
 
Trong lúc khó khăn bủa vây này, chất xám càng cho thấy nó quan trọng như thế nào. Chúng ta cần mau chóng chuyển đổi để vượt qua khó khăn và không một lần nữa bị bỏ lại thời kỳ hậu COVID-19 - chúng ta cần thêm nhiều những sáng kiến.
 
Hai câu chuyện này tưởng chừng chẳng liên quan gì nhau, song cứ ngẫm mà xem, giữa chúng có mối liên hệ nào không? Tôi cho rằng, điểm chung của nó là sự sáng tạo, trong lúc này “SÁNG TẠO, LÀM MỚI, LÀM KHÁC” vô cùng cần thiết.
 
Có “AMT gạo” rồi cũng sẽ có những loại ATM tương tự phục vụ xã hội - để nền kinh tế không bị trì trệ. Hãy ước mơ lớn hơn, vì không ai đánh thuế giấc mơ: Đó là một “nền kinh tế ATM”, “con người ATM”, “xã hội ATM”?,...
 
Đừng nghĩ là ảo tưởng, nhiều quốc gia đã xây dựng nền kinh tế số, tự động hóa đấy thôi; nhiều xã hội văn minh tột đỉnh đang vận hành trơn tru mà không mấy dùng luật pháp; con người ở nhiều đất nước sống thân thiện, ít ham muốn vật chất, hòa đồng với thiên nhiên.
 
Đôi lúc phải cảm ơn COVID-19, vì nhờ nó mà tâm hồn, lòng trắc ẩn của con người có cơ hội được tưới tắm, vun đắp. COVID-19 cũng “ép buộc” chúng ta đừng sống một cách nhạt nhòa như đã từng.
 
COVID-19 đánh đòn vào mông và quẳng cho nan đề, “hãy đổi mới đi, nếu không sẽ chết!” Rất may, người Việt - bước đầu - đã đáp ứng khá tốt yêu cầu mà COVID-19 đưa ra!
 
Đấy, với cái máy “ATM gạo” người Việt văn minh kém gì người Nhật xếp hàng nhận viện trợ trong thảm họa sóng thần? Còn cái máy “ATM tiền” trí tuệ Việt đâu kém trí tuệ năm châu?
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.