.

Bắt bệnh chưa đúng, giải pháp chưa trúng khiến giá thịt heo vẫn còn cao

Cập nhật: 22:05, 04/07/2020 (GMT+7)

Cho tới thời điểm này, thật khó có thể nói sau nhiều nỗ lực, việc điều tiết thị trường thịt heo của các nhà quản lý đã thành công. Bởi lẽ, bất chấp những giải pháp và cả những mệnh lệnh, giá heo hơi và giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng, khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể bị đổ bể và phía sau đó là đời sống khó khăn của bộ phận đông đảo dân cư yếu thế trong xã hội.

Có nhiều khả năng, thực trạng đó bắt nguồn từ việc “bắt bệnh” chưa đúng nên giải pháp đưa ra cũng chưa trúng.

Heo hơi và thịt heo nóng thiếu thì giá vẫn tăng, trong khi thịt heo đông lạnh giá thấp nhưng tiêu thụ rất chậm. Ảnh: Thành Hoa
Heo hơi và thịt heo nóng thiếu thì giá vẫn tăng, trong khi thịt heo đông lạnh giá thấp nhưng tiêu thụ rất chậm. Ảnh: Thành Hoa

Đi sai nước cờ

Tập quán tiêu dùng không hẳn là cái bất biến, nhưng muốn thay đổi chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian, chứ không thể “hô” là “biến” và càng không thể “gọt chân cho vừa giày”.

Những ai quan tâm đến thị trường này đều biết, từ cuối năm 2019 đã có ý kiến cho rằng, do tập quán tiêu dùng thịt heo nóng của Việt Nam thì với gần 6 triệu con heo bị tiêu hủy, cơn sốt giá heo hơi và thịt heo vào khoảng cận Tết Canh Tý là khó có thể tránh khỏi.

Thế nhưng, các quan chức ngành nông nghiệp luôn cho rằng, “...khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi, sản lượng gia cầm tăng 193.600 tấn, trứng đạt 2,6 tỉ quả, cộng với lượng thịt bò, dê, cừu, đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản sẽ bù đắp được việc thiếu hụt thịt heo”, hay “...với việc đàn gia cầm, gia súc và thủy sản tăng mạnh, tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào”...

Những điều đó có nghĩa là, sản lượng thịt heo có giảm thì đã có các loại thịt khác và trứng, thủy sản thay thế.

Không thể nói hoạt động điều tiết thị trường này đã thành công. Điều đó bắt nguồn không chỉ từ khiếm khuyết trong việc đo lường cung, mà còn từ nhận thức có phần không phù hợp về tính khách quan của cầu.

Theo logic đó, quan chức đầu ngành nông nghiệp đã định hướng: “Người tiêu dùng cần chuyển hướng để nhu cầu tiêu dùng hài hòa với các nhóm thực phẩm.

Đây không phải vì dịch tả heo châu Phi mà vì một nhu cầu thực phẩm cân bằng, hợp lý, khoa học, có lợi cho sức khỏe; đồng thời có lợi cho sự phát triển bền vững trước các nguy cơ biến động rủi ro”.

Còn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường, ông đưa ra lời răn: “Việc đưa giá lên cao quá mức sẽ “gậy ông đập lưng ông”.

Nếu giá cao quá, người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, lựa chọn thực phẩm khác, hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về, các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà”.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ với lập luận hết sức dân dã mà cũng hết sức tinh tế rằng “không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, thịt dê”, tình trạng thiếu thịt heo đã được khẳng định và chủ trương nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo đông lạnh vào đầu năm nay cũng đã được thông qua.

Thế nhưng, bất chấp tất cả, thị trường vẫn vận hành theo quy luật vốn có của nó. Đó là, heo hơi và thịt heo nóng thiếu thì giá vẫn tăng, trong khi thịt heo đông lạnh giá thấp nhưng tiêu thụ rất chậm. Giá thủy sản, giá trứng vẫn thấp, thậm chí giá thịt gia cầm có những lúc giảm rất thấp do nguồn cung rất dồi dào.

Tất cả là do “nhu cầu thực phẩm cân bằng, hợp lý, khoa học có lợi cho sức khỏe”, đồng thời “hài hòa với các nhóm thực phẩm” vẫn không được tuyệt đại bộ phận các bà nội trợ để mắt tới. Điều đó cũng có nghĩa là các nhà quản lý đã “đi sai nước cờ” khiến người chăn nuôi thêm khốn đốn.

"Giá cam kết" cũng chẳng ăn thua

Hẳn nhiên, việc các nhà quản lý đặc biệt quan tâm đến việc giữ giá heo hơi và phía sau đó là giá thịt heo ở mức hợp lý chính là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.

Bởi lẽ, xét về quy mô, theo tính toán của một nhà quản lý nông nghiệp, riêng giá trị của 3,8 triệu tấn thịt heo trong rổ thịt 5,3 triệu tấn của nước ta năm 2018 cũng đã ngang bằng với ngành nông nghiệp chủ chốt lúa gạo trong suốt nhiều chục năm trước đó.

Lĩnh vực chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn.

Cơn sốt giá heo hơi và thịt heo càng kéo dài chẳng những ảnh hưởng đến mâm cơm của hàng chục triệu hộ gia đình và trên bề mặt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, mà còn là “động cơ thúc đẩy” việc phát triển không bền vững không chỉ của chính ngành chăn nuôi, mà cả thị trường thực phẩm nói chung.

Trong bối cảnh như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn và đạt được sự đồng thuận về việc đưa giá heo hơi từ ngày 1-4-2020 về mức 70.000 đồng/kg và đến cuối quí 2 và quí 3 năm nay sẽ xuống mức 65.000 đồng/kg, rồi 60.000 đồng/kg

Thế nhưng, giá heo hơi trên thị trường không lâu sau đó đã vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg. Rõ ràng hiệu quả của chế định “giá cam kết” là bằng không.

Lượng hóa không đầy đủ tổng đàn heo

Với việc lần đầu tiên cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan với số lượng không hề nhỏ, thị trường heo hơi trong nước đã lập tức phản ứng, không chỉ có vấn đề cũ mà còn phát sinh thêm vấn đề mới, đòi hỏi các nhà quản lý phải tìm được câu trả lời.

Đó là, những thiệt hại do dịch tả heo châu Phi (ASF) chắc chắn không chỉ “đóng đinh” ở mức gần 6 triệu con mà ngân sách Nhà nước đã phải chi để hỗ trợ những hộ nông dân, chủ trang trại bị thiệt hại, mà còn bao gồm cả những thiệt hại của các doanh nghiệp lớn không được hưởng chính sách này.

Ngoài ra, còn có những thiệt hại do ASF đã khiến không ít người chăn nuôi đã phải chọn giải pháp “bán lúa non” ở thời đoạn dịch bùng phát mạnh nhất để tránh phải tiêu hủy cả đàn, thậm chí nhiều trang trại chưa bị dịch bệnh cũng buộc phải giảm đàn để cầm cự, khiến giá heo hơi chạm đáy chỉ với 20.000-28.000 đồng/kg.

Rõ ràng, nếu tất cả không được lượng hóa đầy đủ, thì các con số về tổng đàn heo từ đó cho đến nay đều không thể phản ánh đúng nguồn cung, khiến các nhà quản lý đã xoay trở đủ cách mà giá heo hơi và thịt heo trên thị trường vẫn không thể hạ nhiệt như mong muốn.

Trong điều kiện như vậy, có lý do để tin rằng, những diễn biến sắp tới về lượng heo hơi nhập khẩu và giá heo hơi, giá thịt heo sẽ cho phép kiểm chứng tình trạng cán cân cung - cầu thực sự của nước ta hiện nay như thế nào.

Bên cạnh đó, thành tích bảo vệ đàn heo “cụ kỵ, ông bà” và heo nái vượt qua ASF rất có thể cũng không được như đánh giá của các nhà quản lý lâu nay. Đó là, theo khẳng định của người đứng đầu ngành nông nghiệp từ nhiều tháng nay, ASF khiến phải tiêu hủy gần 6 triệu con heo, song đàn heo hạt nhân vẫn giữ được an toàn và gần như nguyên vẹn.

Thế nhưng, việc nguồn heo giống đến nay vẫn đang rất khan hiếm, giá lại “trên trời”, cùng với việc tăng tốc nhập khẩu “những cỗ máy cái sản xuất ra những cỗ máy sản xuất thịt” đang được thúc đẩy dường như cho thấy nó không còn nguyên vẹn.

Nói tóm lại, cho dù đã xoay trở bằng không ít giải pháp nhưng với giá heo hơi và thịt heo vẫn còn rất cao so với mục tiêu, không thể nói hoạt động điều tiết thị trường này đã thành công. Điều đó bắt nguồn không chỉ từ những khiếm khuyết trong việc đo lường cung, mà còn từ nhận thức có phần không phù hợp về tính khách quan của cầu.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.