Thứ Ba, 14/07/2020, 16:52 (GMT+7)
.

Nỗ lực giữ chân người lao động

(ABO) Nhìn từ bức tranh chung, dịch Covid-19 làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh. Từ thực tế này, bài toán giữ chân người lao động là không phải dễ.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo mới đây về lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm cho thấy nỗi lo chung sau tác động của dịch Covid-19. Theo đó, bức tranh về lao động, việc làm trên phạm vi cả nước có nhiều điểm tối hơn.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, cả nước có hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 57% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng 17,6 triệu người.

Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn.
Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn do dịch Covid-19.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động Vũ Thị Thu Thủy cho biết, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II-2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II-2020 là 51,8 triệu lao động, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Những con cố thống kê sơ lược như thế cho thấy tác động của dịch Covid-19 là không hề nhỏ đối với kinh tế - xã hội nói chung và đối với tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm nói riêng.

Nằm trong bức tranh chung đó, Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Bởi nếu chỉ tính trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có đến 335 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tập trung một số ngành nghề chính như: Vận tải, khách sạn, du lịch, nhà hàng, ăn uống, may gia công.

Trong nhóm những doanh nghiệp này cũng đã có không ít doanh nghiệp đăng ký và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 18% so cùng kỳ năm 2019; còn số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2019. Trên thực tế cũng đã có nhiều doanh nghiệp mất hẳn các đơn hàng xuất khẩu, hay sụt giảm từ 40% - 50%; khách hàng chậm thanh toán đến 50% đơn hàng…

Hệ lụy của thực tế này là không ít doanh nghiệp cắt giảm lao động từ 10% - 20%, có doanh nghiệp giảm 50% lao động hoặc thậm chí đóng cửa. Điều này dẫn đến thực tế là người lao động mất việc làm, đời sống người dân gặp khó khăn.

d
Doanh nghiệp tìm mọi cách xoay xở để giữ chân người lao động.

Đánh giá chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương, thu nhập giảm sâu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, chịu tổn thương nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động tự do, người lao động khuyết tật… Thị trường lao động, việc làm cũng trầm lắng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc ít có nhu cầu tuyển dụng mới…

Trong giai đoạn khó khăn, cắt giảm lao động là giải pháp tạm thời. Đây không phải là điều mà doanh nghiệp thật thực mong muốn. Bởi trong những chuyến đi thực tế tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hậu Covid-19, lãnh đạo các doanh nghiệp điều cho rằng, cắt giảm lao động là giải pháp bắt buộc và khi doanh nghiệp không còn giải pháp nào khác. Bởi doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi các áp lực tài chính khác luôn đè nặng.

Cắt giảm lao động để giảm áp lực là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong lúc này cũng có doanh nghiệp, dù rất khó khăn, nhưng họ vẫn muốn giữ chân người lao động bởi theo họ, người lao động đã gắn bó với công ty nhiều năm; khi khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ khó tìm nguồn lao động; nếu người lao động nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình họ và hơn hết có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội khi số lượng lớn lao động trẻ không có việc làm…

Chính những yếu tố này, không ít lãnh đạo doanh nghiệp phải xoay xở để tìm việc làm mới nhằm giữ chân người lao động. Chẳng hạn các doanh nghiệp ngành may xuất khẩu chuyển sang may khẩu trang, túi xách; thay gì làm hàng xuất khẩu thì hướng vào thị trường trong nước; từ chỗ xuất khẩu trực tiếp chuyển sang làm hàng gia công…

Trong giai đoạn này, có được đơn hàng, tạo việc làm cho người lao động đã là may mắn đối với mỗi doanh nghiệp. Đến khi không còn sức chịu đựng nữa buộc lòng doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Do vậy, giữ chân người lao động trong giai đoạn hiện nay cũng không phải là bài toán dễ dàng đối với mỗi doanh nghiệp.

A.P

.
.
.