Không chủ quan nhưng đừng quá lo lắng, ảnh hưởng kết quả thi cử
(ABO) Ngày mai (9-8), hơn 14.300 học sinh lớp 12 của tỉnh Tiền Giang sẽ bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi quan trọng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (viết tắt là Kỳ thi). Có lẽ phụ huynh và học sinh thế hệ sinh năm 2002 mãi mãi không thể quên kỳ thi này. Bởi lẽ, các em học và thi trong năm học cuối cấp với quá nhiều điều “đặc biệt”.
Thứ nhất, thời gian cho năm học cuối cấp của các em đã bị rút ngắn lại. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020, các em phải tiếp tục nghỉ học trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, Kỳ thi diễn ra ngay trong những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp. Do đó học sinh lớp 12 của Đà Nẵng, một số địa phương ở Quảng Nam và TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk không thể tham dự Kỳ thi lần này mà sẽ thi vào đợt sau vào thời điểm thích hợp.
Chính vì vậy, đối với Kỳ thi này, phụ huynh và học sinh không chỉ lo lắng về kết quả thi cử, mà còn lo về sự an toàn cho sức khỏe khi mà dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành, số ca dương tính với SARS-CoV-2 chưa có dấu hiệu dừng.
Thí sinh phấn khởi trao đổi sau buổi thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Ảnh: Phi Công |
Việc lo lắng của phụ huynh và học sinh là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh cần bình tĩnh, không chủ quan nhưng cũng đừng quá lo lắng để ảnh hưởng đến kết quả thi cử. Bởi vì ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành hữu quan khác để thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối cho thí sinh (TS).
Vấn đề đặt ra hiện nay là phụ huynh và học sinh cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và ngành Y tế để thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình diễn ra Kỳ thi. Đến thời điểm này, các địa phương nói chung và Tiền Giang nói riêng tổ chức thi đợt 1 đều cho biết đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho Kỳ thi, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 5-8 vừa qua, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Ấp Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Phương Toàn cũng đã cho biết: Trước Kỳ thi diễn ra, các cơ sở giáo dục có TS thi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, phân loại TS đăng ký dự thi và cán bộ, giáo viên thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Nếu có các ca F0, F1, F2 thì phải kịp thời báo cáo về Sở GD-ĐT. Trong quá trình tổ chức Kỳ thi, TS có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng của các điểm thi.
Thí sinh không chủ quan với dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng đừng quá lo lắng để ảnh hưởng đến kết quả thi cử. Trong ảnh: Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019. Ảnh: Thu Hoài |
Đối với các cơ sở giáo dục được chọn làm điểm thi phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, phối hợp với cơ quan y tế tiến hành phun thuốc khử khuẩn kết hợp phun thuốc diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; đeo khẩu trang, bố trí nước rửa tay, bổ sung chất tẩy rửa, diệt khuẩn; đo thân nhiệt cho TS và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các điểm thi.
Chính vì vậy, phụ huynh và học sinh cần an tâm, không chủ quan nhưng cũng đừng quá lo lắng để ảnh hưởng đến kết quả thi cử.
THIÊN LÊ