Thấy gì qua buổi thi đầu của Kỳ thi đặc biệt?
(ABO) Gần 1 triệu sĩ tử trên cả nước đang bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020. Đây là kỳ thi được xem là đặc biệt. Bởi đi cùng với sự háo hức của các sĩ tử là biết bao lo toan, cả sợ hãi của cả thí sinh và phụ huynh.
Đây cũng có lẽ là lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia làm 2 đợt, được kiểm soát chặt chẽ về mặt an ninh và phòng dịch của ngành Y tế. Chưa kể, công tác chuẩn bị phòng thi, giám thị cũng phải có bước dự phòng. Và tất nhiên, các sĩ tử bước vào kỳ thi cũng mang đầy tâm trạng cho tương lai phía trước và nỗi lo toan đối với dịch bệnh đang diễn ra trước mắt.
Nhìn ở khía cạnh khác, theo nhận định của nhiều người, đề thi môn Ngữ Văn được thi vào sáng nay (9-8) cũng có điểm khá “đặc biệt”. Bởi ở câu nghị luận xã hội, đề thi đã yêu cầu thí sinh viết về vấn đề “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều yếu tố đặc biệt. |
Thật ra, việc khơi gợi vào tính chân thật, tính định hướng hay hướng vào tính chân, thiện, mỹ của cuộc sống không phải là đề tài mới trong các kỳ thi THPT mang tính quốc gia của nhiều năm qua. Nhưng khía cạnh “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” được đề cập ngay trong giai đoạn đất nước bước vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, nên việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày càng có ý nghĩa hơn.
Bởi trân trọng cuộc sống mỗi ngày trong giai đoạn này không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mà còn đối với cộng đồng, xã hội. Mỗi người biết trân quý cuộc sống, biết giữ gìn và chung tay, góp sức để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch mới mang lại ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống của mỗi cá nhân hiện nay.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên hình ảnh đất nước, nhân dân kiên cường chống dịch càng nổi trội hơn. Vì lẽ đó, bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được đề cập trong đề thi môn Ngữ Văn lần này cũng là điều dễ hiểu. Bởi hơn bao giờ hết, người dân Việt Nam luôn hướng về quê hương, đất nước khi Tổ quốc cần họ.
Lịch sử mấy mươi năm của dân tộc Việt Nam luôn ghi nhận điều này. Nhưng tình yêu đối với quê hương, đất nước cũng cần được nhìn nhận với nhiều khía cạnh và cảm nhận của mỗi người. Nhìn vào khía cạnh này, chúng tôi cũng đồng cảm với trả lời nhanh với báo chí sau khi bài thơ "Đất nước" được đưa vào đề thi môn Ngữ Văn năm nay, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - tác giả bài thơ đã nói rằng, hãy để người trẻ hồn nhiên hiểu về đất nước như họ nghĩ. Khi họ được lựa chọn như vậy, họ sẽ có trách nhiệm về những điều họ nhận thức, suy nghĩ và có trách nhiệm lâu dài với đất nước của họ.
Bởi, tình yêu nước, nói như nhà thơ, nhà văn Ilya Grigoryevich Ehrenburg là yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông… Tình yêu đất nước là như thế, nó rất đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng rất cao cả, phi thường. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cảm nhận và hành động có ích của mỗi người dân Việt Nam.
Hình ảnh "Đất nước" và “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” được đề cập ngay trong giai đoạn đất nước cần sự chung tay, góp sức của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã góp thêm cho kỳ thi mang tính “đặc biệt” năm nay.
Điều này một lần nữa nhắc chớ mỗi người, nhất là đối với thế hệ trẻ, cần có trách nhiệm hơn đối với quê hương đất nước, thêm niềm tin yêu với cuộc sống của bản thân mình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính “đặc biệt” vẫn đang tiếp tục diễn ra đối với mỗi thí sinh và mỗi người dân Việt Nam. Và hơn hết, trong mỗi chúng ta vẫn đang tràn đầy hy vọng cho kết quả một kỳ thi cũng như kết quả phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tốt đẹp.
ANH PHƯƠNG