.

Tri ân và tôn vinh những thế hệ nhà giáo

Cập nhật: 20:45, 18/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay. Ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, vai trò của người thầy được xem là vô cùng quan trọng. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Để tri ân, vinh danh vai trò của những người làm nghề dạy học, từ năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Lịch sử đã chứng minh, ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, dân tộc Việt Nam đều sản sinh ra những nhân tài cho dân tộc. Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu trong từng chặng đường lịch sử của đất nước. Có thể nói, người thầy ngay từ xa xưa đã trở thành hình mẫu lý tưởng, hội tụ nhiều cốt cách cao đẹp, được xã hội ngưỡng mộ, quý trọng. Lịch sử giáo dục nước ta đã xuất hiện nhiều người thầy không những học thức uyên thâm mà còn sáng ngời với đạo đức, khí chất và phẩm hạnh cao đẹp như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Qúy Đôn…

 20-11 là dịp để mỗi chúng ta  có dịp tôn vinh, thể hiện lòng tri ân với các thầy cô giáo của mình.  (Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tri ân thầy cô của mình).
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tặng hoa tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2020.

Nhiệm vụ của người thầy không đơn thuần là dạy chữ nghĩa mà đó còn là vấn đề giáo dục, uốn nắn đạo đức cho học sinh. Như vậy, suy rộng ra có thể thấy, trọng trách của người thầy là vô cùng lớn, ngoài việc dạy con chữ thì người thầy còn dạy học trò cách làm người, cách đối nhân xử thế.

Mỗi thời đại, quan điểm về giáo dục sẽ có những biến chuyển khác nhau, đòi hỏi người thầy phải luôn không ngừng đổi mới, tạo ra nhiều bức phá, nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu như trước đây, việc giáo dục chỉ gói gọn chủ yếu trong sách thì với nền giáo dục hiện nay đòi hỏi người thầy phải chú trọng, đào sâu, tìm hiểu các kiến thức khoa học, chú trọng giảng dạy lý thuyết kết hợp thực tiễn…

Thời gian qua, toàn ngành Giáo dục nước nhà đã có rất nhiều cố gắng trong mọi hoạt động giáo dục. Với vai trò chủ đạo của mình, các thầy cô giáo đã không ngừng học tập, nâng cao tay nghề, không ngừng ra sức phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhiều tấm gương, nghị lực vượt khó của giáo viên đã được phát hiện và tôn vinh đến cộng đồng xã hội.

Toàn ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang có 19.240 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Những năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của các ngành, các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo ở bậc học mầm non 75,4%, tiểu học 83,2%, THCS 51,60% và THPT 14,98%. Số cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học 341 người, đại học 9.887 người; 100% cán bộ quản lý hoàn thành chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục...

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống con người không ngừng nâng lên và vị thế của người thầy nay cũng đã khác. Bên cạnh những mặt tích cực thì trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hiện tượng, hành động khiếm nhã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thầy đáng bị lên án và phê phán.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, mong rằng những thế hệ người thầy hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục, không ngừng ra sức trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, đạo đức bản thân, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi gương.

NAM PHƯƠNG




 

.
.
.