.

Thể thao là "cuộc thi" không phải "cuộc chiến"

Cập nhật: 15:40, 26/03/2021 (GMT+7)

(ABO) Thể thao là “cuộc thi” thiêng về thể chất khi các vận động viên (VĐV) đều ra sức tập luyện nâng cao “giới hạn” của mình để đoạt được những tấm huy chương danh giá. Tuy nhiên, VĐV tham gia “cuộc thi” thiêng về thể chất ấy cũng cần giữ được “lý trí” và "cái đầu lạnh" nhằm không để cuộc tranh đua vượt qua giới hạn của thể thao.

Việc cần thủ Đỗ Hùng Dũng (CLB Hà Nội) bị gãy chân sau pha vào bóng quyết liệt của cầu thủ Hoàng Thịnh (CLB TP. Hồ Chí Minh) tại vòng 5 - V-League 2021 hẳn vẫn còn khiến nhiều người người rùng mình vì mức độ nghiêm trọng của chấn thương và để lại nhiều tranh cãi.

Mức độ nghiêm trọng không chỉ dừng lại ở chấn thương của Hùng Dũng nặng hay nhẹ mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch vòng loại World Cup 2022 của Đội tuyển Việt Nam vào tháng 6 tới. Hùng Dũng đang là trụ cột với lối chơi đa năng là "quân bài" quan trọng của HLV Park Hang-seo trong sơ đồ chiến thuật của Đội tuyển Việt Nam. Việc Hùng Dũng chấn thương là một mất mát lớn ở tuyến giữa của Đội tuyển Việt Nam ở 3 trận đấu quan trọng sắp tới.

Những tranh cãi trong những ngày qua chủ yếu xung quanh việc án phạt giành cho Hoàng Thịnh là nặng hay nhẹ và tình trạng thi đấu có phần “bạo lực” của V-League trong những năm qua. Việc cắt bóng của Hoàng Thịnh là việc mà cầu thủ nào cũng sẽ làm khi thấy đội nhà bị phản công. Nhưng cách vào bóng của Hoàng Thịnh lại cho thấy sự “nóng nảy” trong cách chơi bóng của mình.

Tất nhiên, Hoàng Thịnh cũng làm điều đó vì màu cờ sắc áo nhưng ở khoảng khắc đó cầu thủ người Nghệ An đã quên rằng đây chỉ là “cuộc thi” chứ không phải là “cuộc chiến”. Cuộc thi buộc người tham gia phải lý trí và bình tĩnh trước các quyết định của mình chứ không phải tìm cách nhanh nhất để triệt hạ đối thủ một cách nhanh nhất như cuộc chiến.

Chấn thương đáng tiếc của Hùng Dũng là
Chấn thương đáng tiếc của Hùng Dũng là "hồi chuông báo động" về tinh thần fairplay của các cầu thủ trong thi đấu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Thể thao là môt “cuộc thi” thiêng về thể lực và đối thủ cũng chính là đồng nghiệp - những người cùng đam mê, nhiệt huyết chứ không phải là những kẻ thù cần phải triệt hạ. Do đó, các cầu thủ hay rộng hơn là các VĐV khi thi đấu nếu không giữ được “lý trí” và “cái đầu lạnh” sẽ rất dễ khiến cho đồng nghiệp của mình phải chấm dứt sự nghiệp - điều mà không ai mong muốn.

Không chỉ là đồng nghiệp, các VĐV ở những thời điểm nhất định cũng có thể còn là đồng đội của nhau. Như Hoàng Thịnh và Hùng Dũng cũng từng là đồng đội trong màu áo Đội tuyển Quốc gia ở lần tập trung gần nhất và mối quan hệ giữa hai cầu thủ ngoài đời là rất tốt. Tuy nhiên, Hoàng Thịnh đã phạm phải sai lầm khi “cái đầu lạnh" bị cuốn trôi bởi sự quyết liệt của thể thao.

Thể thao vốn khốc liệt nhưng các VĐV cũng cần có ý thức để bảo vệ chính mình và các đồng nghiệp của mình. Một pha bóng hay, một tình huống chơi xấu có thể giúp cho đội chủ quản có được hiệu quả tức thời nhưng nếu quá trớn sẽ lấy đi toàn bộ sự nghiệp của đối thủ. Thể thao suy cho cùng cũng là “cuộc thi” do con người tổ chức nên chúng ta có quyền quyết định mình sẽ thi đấu như thế nào để hình ảnh thể thao thật đẹp, thật “fairplay”.

Việc hình thành và xây dựng “ý thức” thi đấu cho VĐV bên cạnh sự cống hiến và nhiệt huyết hết mình vì màu cờ sắc áo là hết sức cần thiết. Thể thao mang đến thông điệp “Trung thực - Cao thượng” và hình ảnh đoàn kết. Thông điệp và hình ảnh ấy cần phải được truyền tải đến các VĐV một cách rõ ràng và thiết thực hơn nữa. Các VĐV trẻ bên cạnh việc được huấn luyện kỹ thuật thi đấu cũng cần phải được định hướng về tinh thần “fairplay” trong thi đấu để có thể hướng đến những hình ảnh đẹp và cao thượng nhất của thể thao.

Trường hợp của Hùng Dũng có lẽ sẽ là “hồi chuông báo động” đối với những người làm bóng đá cũng như thể thao Việt Nam về tinh thần thi đấu “fairplay” của các VĐV. Vấn đề này cần phải có những giải pháp thiết thực và trực tiếp hơn để nâng cao ý thức của các VĐV về việc thi đấu đảm bảo an toàn cho bản thân và các đồng nghiệp. Việc nâng cao ý thức của VĐV sẽ hiệu quả hơn so với việc án phạt nặng để răn đe. Bởi, án phạt có nặng đến đâu cũng không thể khắc phục được hậu quả và đôi khi còn khiến hậu quả nghiêm trọng hơn.

NGỌC TƯỜNG

 

.
.
.