.

An toàn và linh hoạt

Cập nhật: 18:08, 28/09/2021 (GMT+7)

(ABO) Mở cửa nền kinh tế là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm, chí ít là ở các tỉnh, thành phía Nam, mà trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.

Bởi chiếc lò xo kinh tế đã bị nén quá lâu, sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã gần chạm đáy. Tuy nhiên, độ mở của các kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đến mức nào vẫn còn nhiều bàn luận và băn khoăn.

Ngày 1-10, đúng theo lộ trình “mở cửa” theo hướng an toàn, phòng chống dịch, theo tinh thần chung của Chính phủ đã đến rất gần nhưng dường như câu chuyện mở cửa nền kinh tế nói chung, ở nhiều tỉnh, thành nói riêng vẫn còn rất bộn bề, ngổn ngang bởi diễn biến của dịch còn tương đối phức tạp.

Tiền Giang đang tính toán nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiền Giang đang tính toán nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Tuấn Lâm.

Thực tế cho thấy, Covid-19 đã phủ lên một màu xám cho nhiều lĩnh vực, ngành hàng và loang ra rất nhanh. Gam màu xám này dễ nhận diện nhất đối với nhiều nhóm ngành hàng nông nghiệp ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bằng chứng dễ thấy nhất là trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho ngành hàng sản xuất cá tra toàn vùng gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng từ người nuôi đến nhà máy chế biến bị đứt gãy, giá cá nguyên liệu giảm, đến nay nhiều nhà máy chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Hiện tại các nhà máy giảm hơn 70% công suất, dư thừa nguyên liệu, chi phí sản xuất "3 tại chỗ" và các chi phí khác làm cho chi phí chung của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều.

Từ thực tế này, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, tới đây bộ sẽ thực hiện kết nối 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để tạo thêm tính an toàn và bền vững hơn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, an toàn và linh hoạt là hai yếu tố sống còn hiện nay. Bởi, bên cạnh an toàn phòng, chống dịch, cần linh hoạt thực hiện các phương thức nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

An toàn và linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế là điều mà nhiều người nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Sự dồn nén của nền kinh tế nói chung, của từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng đã kéo dài quá lâu trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có nhiều giải pháp thích ứng một cách linh hoạt, nhất là hướng đến chấp nhận sống trong môi trường có dịch.

Cùng với các tỉnh, thành phía Nam, Tiền Giang cũng đang chuẩn bị bước vào chặng đường mới. Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chính thức ban hành vào ngày 25-8.

Kế hoạch này nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sớm và chuẩn bị tốt các điều kiện để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, điểm nghẽn sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch Covid-19, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, việc làm…

Thời gian qua, bức tranh kinh tế của Tiền Giang cũng đi cùng xu hướng với nhiều tỉnh, thành phía Nam khi Covid-19 lan rộng. Giờ đây, câu chuyện “mở cửa” lại của các ngành, lĩnh vực cũng đang được Tiền Giang bàn luận, tính toán. Tất nhiên, Tiền Giang cũng xác định an toàn phòng dịch là trên hết và trước hết; đồng thời với việc thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt và thích ứng để dần nới rộng các hoạt động kinh tế, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân trong tình hình mới.

THÁI AN

.
.
.