Uy tín của Đảng từ Quy định 41
(ABO) Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ảnh: D.S |
Đó là một phần trong Quy định 41 của Bộ Chính trị vừa ban hành về miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ. Quy định đã nhận được sự đồng tình của quần chúng nhân dân.
Quy định đã thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, cũng như nâng chất hoạt động của hệ thống chính trị. Quy định 41 cũng là cơ sở để xây dựng hiệu quả văn hóa từ chức ở nước ta.
Trước đó, tháng 9-2021 Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Có thể nói, 2 quy định này sẽ góp phần cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiệu quả hơn và trở thành một phương pháp để quản lý cán bộ của Đảng cầm quyền. Bởi uy tín của cán bộ cũng là uy tín của Đảng, khi niềm tin của nhân dân vào cán bộ không còn thì nên miễn nhiệm hoặc từ chức để bảo vệ uy tín của Đảng.
Quy định 41 có nêu rất rõ các căn cứ xử lý tương ứng với 2 hình thức miễn nhiệm hay từ chức. Ngay cả với từ chức dù có tính tự nguyện, nhưng quy định cũng có nêu 4 căn cứ để nhân dân, báo chí, cơ quan tổ chức giám sát và cá nhân cán bộ tự soi vào để thấy có nên từ chức hay không. Đó là hạn chế về năng lực hoặc không đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị quản lý xảy ra sai phạm nghiệm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc vì lý do cá nhân chính đáng khác.
Rõ ràng Quy định 41 đã thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng, làm trong sạch bộ máy, cụ thể là công tác cán bộ. Đó là việc lựa chọn, bổ nhiệm những cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm; đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu công việc trong xu thế hội nhập.
Những quy định cụ thể từ Quy định 41 buộc mỗi cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu tự xem xét, soi rọi lại mình với đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với Đảng, với dân trong thực thi công vụ, xem mình có thật sự xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao không. Từ đó có những chủ trương, quyết sách đúng đắn vì cái chung, góp phần đưa cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển, đi lên.
Tuy nhiên, để song hành với 2 quy định này, chúng ta cũng cần rà soát lại các văn bản pháp luật, có hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung, tránh sự chồng chéo, mâu thuẩn, đảm bảo một hành lang pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đột phá trong thực thi nhiệm vụ vì lợi ích chung.
LÊ LONG HỒ