.

"Mở cửa" tư duy

Cập nhật: 10:06, 11/10/2021 (GMT+7)

(ABO) Cơn "địa chấn" được gọi tên là SARS-CoV-2 đã quét qua thật nhanh làm chao đảo nhiều tỉnh, thành mà trọng điểm là phía Nam đã dần khép lại và để lại rất nhiều hệ lụy.

Nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng bắt đầu thấm đòn khi khả năng chịu đựng gần như chạm đáy. Dòng người từ các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cũng lần lượt trở về mảnh vườn, ao cá mà bấy lâu có lẽ đã bị quên lãng do cuộc mưu sinh. “Tái thiết” cuộc sống chắc chắn sẽ được thực hiện, dù sớm hay muộn, vì đó là quy luật cuộc sống.

Chủ trương mới đang được nhìn nhận rằng, sẽ chuyển từ “zero Covid-19” sang “thích ứng linh hoạt” để “sống chung an toàn” với Covid-19. Và tất nhiên, “sống chung an toàn” thì phải tạo điều kiện để tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều có thể được diễn ra trên cơ sở của sự bình thường mới.

Dịch giã đã giúp cho cuộc sống có những cái nhìn tươi mới hơn.
Dịch giã đã giúp cho cuộc sống có những cái nhìn tươi mới hơn.

Thật ra, chuyển trạng thái tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại là một chặng đường phức tạp. Đó là câu chuyện “tái thiết” của từng doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới được bắt đầu từ việc tổ chức lại môi trường sản xuất như đảm bảo khoảng cách an toàn, định kỳ xét nghiệm, thường xuyên sát khuẩn… Chưa kể, doanh nghiệp cũng cần tính toán lại quy mô, hình thức để lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho người lao động.

Những chuyển đổi này thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng đó là cả một quá trình của mỗi doanh nghiệp. Và tất nhiên, cách thức tiếp cận sản xuất, kinh doanh cũng sẽ dần thay đổi theo. Đó cũng là một quy luật hợp lý.

Nhìn dòng người đổ về các tỉnh miền Tây, miền Trung trong những ngày qua cũng cho chúng ta cách tiếp cận khác về cuộc sống. Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong những ngày đầu tháng 10 đã có đến 180.000 người trở về quê, mà điểm xuất phát chủ yếu vẫn là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Họ về quê để tránh dịch nhưng cũng có thể họ trở về để tìm lại cuộc sống mới sau bao năm bôn ba ở vùng đất hứa khác.

Nhiều năm qua, vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn lao động, từ nay có thể sẽ khác hơn. Và rồi, tiềm năng của vùng đất được xem là trù phú này có thể sẽ được tiếp tục đánh thức và khơi dậy. Tư duy của người lao động sau bao năm bôn ba chắc rằng cũng sẽ thay đổi. Có thể họ sẽ bắt đầu cuộc sống từ chính nơi chôn nhau cắt rốn, từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Hình ảnh nông thôn sẽ được thay bằng những gam màu sáng hơn từ chính thay đổi tư duy này.

Cơn dịch giã tàn khốc lần này rồi cũng sẽ trôi qua. Mọi thứ dần trở lại quy luật bình thường. Nhịp sống mới được hình thành trên những tư duy mới hơn. Qua cơn dịch giã này, chúng tôi cũng nghe đâu đó nói rằng, cuộc sống dần được mở cửa lại nhưng điều quan trọng hơn đó là “mở cửa” tư duy. Bởi chỉ có tư duy mới, cách tiếp cận mới, mới có thể mở cửa một cách an toàn, nhất là trong điều kiện cuộc sống có quá nhiều biến đổi.

T.T

.
.
.