.

Dòng người về quê

Cập nhật: 15:32, 01/10/2021 (GMT+7)

(ABO) Hình ảnh dòng người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông đổ về các tỉnh miền Tây trong những ngày cuối tháng 9 cho chúng ta cảm nhận được điều gì đó còn ray rứt.

Họ là người dân lao động, đến miền đất năng động nhất của miền Nam để tìm cơ hội mới cho cuộc sống của họ và gia đình. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong nhiều năm nay trở thành miền đất hứa của rất nhiều gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Họ đến đây để tìm một chân trời mới hơn và nơi đây đã từng bao bọc, chở che cho rất nhiều con em vùng đồng bằng. Ở nơi đây cũng được xem chính là quê hương thứ hai của họ.

Trong dòng chảy của cuộc mưu sinh, nhiều gia đình ở ĐBSCL phải chấp nhận xa quê. Và có lẽ ĐBSCL là một trong những khu vực có số lượng người dân di cư được xếp vào nhóm nhiều của cả nước. Điều này đã được thể hiện trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây vào ngày 30-9. Ảnh: Tuấn Lâm.
Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây vào ngày 30-9. Ảnh: Tuấn Lâm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ĐBSCL hiện là “vùng trũng” về đô thị hóa ở Việt Nam, trong khi Việt Nam là vùng trũng về đô thị hóa khi so với các nền kinh tế chủ yếu trong khu vực. Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào ngày 1-4-2019 là 17,3 triệu người, gần như không đổi so với mức 17,2 triệu người trước đó 10 năm.

Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Và tất nhiên, trong khoảng 1,1 triệu người di cư trong thời gian qua, người dân Tiền Giang chiếm tỷ lệ cũng đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng, nhìn về tương lai, nếu không có những yếu tố đột biến, rất khó để ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng dân số chung và dân số đô thị cao hơn trong 10 năm tới. Trên thực tế, dân số cả vùng hằng năm đã giảm 0,3% mỗi năm trong hai năm gần đây và dân số thành thị chỉ tăng khoảng 0,6%/năm. Nếu xu thế di dân tiếp tục như hiện nay, mà khả năng này rất cao, đến năm 2030, dân số của cả vùng còn chưa đến 17 triệu người và đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa rất khó đạt 30%.

Câu chuyện đi tìm vùng đất mới của người dân ĐBSCL nói chung, ở mỗi tỉnh thành nói riêng vẫn diễn ra đều đặn trong nhiều năm qua. Bởi, ngay trên vùng đất được xem là trù phú này, nhiều năm qua còn gì đó khó khăn, cuộc sống chật vật do một nền nông nghiệp còn quá nhiều bấp bênh, biến đổi khí hậu dẫn đến hạn mặn, sạt lở, ngập lụt…

Họ ra đi cũng vì mong muốn tìm được cuộc sống mới hơn. Thế nhưng, hình ảnh dòng người trở về ĐBSCL hôm nay mới cho chúng ta cái nhìn chân thật nhất về công cuộc mưu sinh của họ. Hôm nay, có vẻ họ mong muốn trở về, chí ít là trong giai đoạn khó khăn do dịch giã. Và cũng có thể họ không thể cầm cự hơn nữa ở những vùng đất mới này.

Các chuyên gia đã nghiên cứu rằng, cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL đang khá hạn chế, không những thế lại đang bị chảy máu chất xám. Để khắc phục tình trạng này, cần cải thiện các tác nhân đầu vào, trong đó quan trọng nhất là cần thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, đồng thời phát triển kinh tế để tạo thêm cơ hội việc làm, từ đó khuyến khích người dân theo đuổi việc học tập, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phát triển.

Trong dòng chảy của những người trở về hôm nay đã cho thấy những khó khăn trong công cuộc mưu sinh nhưng cũng lóe lên những tia hy vọng. Bởi khi trở về, biết đâu họ cùng chung tay, chung sức xây dựng lại quê hương vốn dĩ hào sản và phồn thịnh.

Bởi với vai trò là vựa lúa và vựa thủy sản lớn nhất cả nước, vùng ĐBSCL đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 54% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây… Chúng tôi luôn tin, rồi đây ĐBSCL sớm trở thành vùng đất hứa.

T.T

.
.
.