Rất cần "Tiên học lễ"
Chính vì vậy, Hollywood lại làm bộ phim “Người nhện/Spider Man” để giải cứu thế giới.
Văn hóa Nho giáo vẫn còn nhiều điểm tích cực |
Nên bỏ hay giữ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hiện có trong hầu hết ngôi trường ở Việt Nam? Liệu văn hóa Nho giáo có kìm hãm sự sáng tạo của con người?
Nho giáo đã tồn tại mấy nghìn năm nên luận bàn về tính hợp lý của nó là điều thừa thải. Những yếu kém trong văn hóa, giáo dục, sự sáng tạo của con người Việt Nam hiện nay là có thật, như quy hết về “nguyên nhân” Nho giáo e rằng hơi oan cho Khổng Tử.
Hãy nhìn vào giáo dục phổ thông xem chúng ta đã thực sự quan tâm đến giáo dục về “Lễ” hay chưa. Học Lịch sử để biết trên biết dưới, biết ta biết người, học Văn là để học làm người. Làm người hơn muôn loài ở chỗ có cảm xúc, biết yêu thương cái đẹp, ghét chê cái xấu. Môn Giáo dục công dân dạy đối nhân xử thế.
Tổng hòa các môn học ấy giúp con người tiệm cận với “Lễ”. Nhưng ngặt nỗi, học Văn - Sử - Địa - Công dân khó kiếm cơm, khó được trọng dụng hơn Toán - Lý - Hóa. Quan điểm về “học giỏi” dường như chỉ đóng đinh ở các môn tự nhiên.
Vì sao bỏ học “Lễ” khi chính trong nhà trường vẫn sính bệnh thành tích, vẫn không thành thật với nhau, với cấp trên về thực trạng phải đối diện trong từng tiết học. Cần lắm “Lễ” khi con người có xu hướng lấy “tiền” “vật chất” làm thước đo cho mọi giá trị.
Một nghiên cứu của giáo sư đầu ngành văn hóa Trần Ngọc Thêm chỉ ra, bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó và những trọng bệnh của ngành giáo dục. Đáng nói, 3 căn bệnh này sẽ gây ra bệnh nói dối!
Vẫn rất cần có “Lễ” để rắc lại các mối quan hệ xã hội đang rạn vỡ. Trong gia đình anh em thù nghịch, ông bà cha mẹ không được tôn trọng đúng mực; ngoài đường - người ta dễ dàng phỉ vả vào nhau chỉ bằng một chút xích mích nhỏ, ai cũng dễ gần ai nhưng ai ai cũng đề phòng nhau.
Rồi thì buôn gian bán lận, “rau hai luống, lợn hai chuồng”, bằng mọi giá để đạt được lợi ích; tình trạng tham nhũng, tha hóa, suy đồi phẩm chất, đạo đức vẫn còn nhức nhối,…vẫn rất cần “Lễ” lắm chứ!
Cũng chưa cần viện đến “Lễ” một cách cao siêu, thâm thúy như đức Khổng Tử. Chỉ cần con người biết phải trái, giảm bớt tham lam, tôn trọng chính mình và tôn trọng mọi người, lớn biết làm gương, nhỏ biết phép tắc, anh em hòa thuận, gia đình yên ấm,…ấy cũng chính là “Lễ”.
Một xã hội có những đặc tính ấy mới là xã hội văn minh, thinh vượng đúng nghĩa. Nhưng phẩm chất ấy không phải sinh ra là có, như Bác Hồ nói “Hiền dữ đâu phải tính sẵn, phần lớn do giáo dục mà nên”.
Chẳng phải phim khoa học viễn tưởng Mỹ, Ấn Độ thường cảnh báo thế giới về tính “vô nhân đạo” của khoa học, kỹ thuật, máy móc đó sao. Trong thế giới ấy, con người có thừa sức sáng tạo, phát minh ra những cỗ máy siêu nhiên có thể làm mọi việc, nhưng cuối cùng khiến xã hội khiếp sợ vì sự “vô Lễ” của nó.
Chính vì vậy, bạn có biết vì sao Hollywood lại làm bộ phim “Người nhện/Spider Man” để giải cứu thế giới không?
(Theo enternews.vn)