.

Vượt ra ngoài hộp tư duy truyền thống

Cập nhật: 18:24, 27/09/2022 (GMT+7)

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 gần đi hết chặng đường khi các thí sinh trúng tuyển đang cấp tập làm thủ tục nhập học để đảm bảo đúng hạn trước 30-9.

Thí sinh xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM.
Thí sinh xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM. Ảnh: sggp.org.vn

Tuyển sinh đại học năm nay có một số đổi mới với kỳ vọng rất lớn của cơ quan quản lý là vừa muốn cho thí sinh lựa chọn trường ngành theo những phương thức xét tuyển khác nhau, giảm tối thiểu thí sinh ảo và vẫn muốn trường có quyền tự chủ tuyển sinh trong một khung thời gian định trước.

Một bài toán đa mục tiêu đặt ra, trong khi mục tiêu duy nhất của việc xét tuyển vào đại học là đúng người (khả năng học vấn, phù hợp nhu cầu..) và đủ người.

Việc quá lạm dụng vào công nghệ trong khi các yếu tố đầu vào nhiều khi mâu thuẫn với nhau do người thiết kế chính sách khiến bài toán tuyển sinh trở nên phức tạp và rối rắm. Mỗi khi báo chí đưa tin về những trục trặc, vướng mắc thì cơ quan quản lý lại có công văn điều chỉnh khiến nhiều trường khó xoay trở...

Nguyên nhân có lẽ vẫn nằm trong tư duy của một thời kỳ dài “cầm tay chỉ việc” và tâm lý sợ buông quyền kiểm soát. Một chính sách tuyển sinh tác động đến nhiều gia đình và học sinh, dư luận xã hội là bình thường trong tiến trình đổi mới... Nếu chính sách đổi mới được thiết kế chu đáo, chuyên nghiệp, tất cả vì người học cũng không nên vội chạy theo dư luận trái chiều hoặc xã hội chưa đủ lòng tin.

Có lẽ giải bài toán tuyển sinh như “lọc ảo” hoặc “may rủi” ở rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, về mặt lý thuyết có thể xử lý được nhưng vẫn không phải là mục đích tối thượng của việc tuyển sinh đại học là chọn đúng, đủ người. Và mục tiêu ưu tiên hơn là gạt bỏ những may rủi trong việc đăng ký xét tuyển như chơi “lô tô” từ nhiều năm nay.

Năm học 2023 tới đây rất cần xử lý vấn đề mang tính gốc rễ là việc thi tốt nghiệp THPT, sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Sâu xa hơn là bài toán về tài chính giáo dục đại học cần được giải quyết thấu đáo hơn.

Trước hết, về việc thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa tạo được lòng tin trong xã hội vì kết quả thi rất ảo diệu. Chỉ vì mục đích “2 trong 1” của kỳ thi - vừa muốn đánh giá kết quả giáo dục THPT vừa muốn dùng làm căn cứ để xét tuyển vào đại học - dẫn đến những mâu thuẫn khó giải quyết.

Ở một cực thì nhiều trường có tỷ lệ chọn lọc cao không muốn lấy kết quả thi tốt nghiệp hoặc học bạ do nghi ngờ độ tin cậy; nhưng ở cực kia, không ít trường rất cần tuyển đủ chỉ tiêu nên sẽ tuyển bằng mọi phương thức và chọn các tổ hợp điểm khá xa lạ. Trong khi, người học chỉ muốn được học nên tận dụng tối đa phương thức xét tuyển giống kiểu chơi may rủi, dẫn tới những hệ lụy khó giải quyết hiệu quả cho bài toán tuyển sinh.

Mới đây, Bộ GD-ĐT lại có sáng kiến quy đổi điểm về một thang điểm tương đương, lại là một ý tưởng “vỗ trán” chưa có nghiên cứu. Trong khi đề thi tốt nghiệp THPT không được chuẩn hóa từ nhiều năm, điểm học bạ càng khó có độ tin cậy thì quy đổi kiểu gì nếu không phải là nói cho vui. Việc dùng kết quả thi tốt nghiệp vô hình trung khiến học sinh học lệch và nhà trường cũng dạy lệch, làm mất đi mục tiêu giáo dục. Với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên rất khó nói câu chuyện điểm chuẩn như hồi thi “3 chung” do rất khác nhau về tiêu chí, chuẩn mực... Vì thế rất cần nhân rộng kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp, hiện đã có một vài cơ sở giáo dục đại học trong nước và các quốc gia khác đang làm. Chỉ có như vậy mới có thể “so đũa” trên một chuẩn thống nhất để xét tuyển. Khi đó, mục tiêu của công bằng, chất lượng, hiệu quả mới hy vọng cải thiện.

Bài toán tài chính giáo dục đại học liên quan rất lớn đến chính sách tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Vì vậy vấn đề học phí một mặt phát huy quyền tự chủ của nhà trường, mặt khác Nhà nước cần dùng cơ chế điều tiết qua chính sách học bổng, học phí, tín dụng để hài hòa cơ cấu ngành đào tạo.

Cuối cùng, việc cơ quan quản lý có được dữ liệu tuyển sinh quốc gia ở đầu vào có thể xem là một điểm tốt về ứng dụng công nghệ như biết được số thí sinh trúng tuyển thực theo ngành học, theo trường, đồng thời cùng với cơ sở đào tạo công khai dữ liệu trúng tuyển để giám sát. Điều quan trọng là thu thập số liệu gì, vào thời điểm nào, cách thu thập và sử dụng ra sao cũng là điều nên suy nghĩ đối với cơ quan quản lý.

(Theo sggp.org.vn)
 


 

.
.
.