.

Liêm chính để đất nước phát triển

Cập nhật: 10:28, 19/03/2023 (GMT+7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thông điệp: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính là để đất nước phát triển.

Những ngày gần đây, tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm đang trở thành vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm. Cần nhìn nhận rằng, những vấn đề tiêu cực đăng kiểm thuộc dạng “tham nhũng vặt”, bắt nguồn từ nhiều phía, mà trước hết là cán bộ tiêu cực, sự bất cập của chính sách và các quy định, cũng như ý thức chấp hành của các chủ phương tiện.

Thực tế, chủ xe chấp nhận mất chút chi phí để đỡ tốn thời gian, che giấu được những vi phạm điều kiện lưu thông của phương tiện. Một bộ phận cán bộ công quyền tiêu cực thì có thêm thu nhập, dù biết là bất chính. Nhưng điểm chung là việc theo đuổi những “lợi ích riêng, bất chính” của họ đều tạo ra nguy cơ đe dọa lợi ích chung, tức là sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.

Tiêu cực đăng kiểm nhắc chúng ta về sự gia tăng đột biến số lượng cán bộ vi phạm, bị xử lý trong khoảng 10 năm trở lại đây. Những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ gia tăng lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Nhà nước mà cũng đồng thời làm nổi bật hơn nhu cầu về phẩm chất “liêm chính”, trước hết là đối với hệ thống công quyền, rộng ra là mọi thành viên trong xã hội.

Chưa khi nào mà nhu cầu về cán bộ không chỉ “vừa hồng, vừa chuyên” mà còn phải “sạch” lại trở nên bức thiết như hiện nay. Trong bài viết "Đấu tranh phòng, chống tiêu cực: một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!" đăng ở phần 1 cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập đến và nhấn mạnh nhu cầu xây dựng “văn hóa liêm chính”.
Công quyền liêm chính

Từ xưa đến nay, “liêm chính” được hiểu là “trong sạch, chính trực, đàng hoàng”. Cá nhân, đặc biệt là cán bộ công quyền, sẽ được cho là người “liêm chính” nếu họ không để lợi ích riêng tư chi phối, xâm phạm lợi ích chung. Nói cách khác thì hành động công quyền luôn được người dân kỳ vọng phải “chí công vô tư”. Những bài học lịch sử cũng cho thấy người liêm chính còn là những người dám nghĩ, dám lên tiếng, và dám hành động, thậm chí dám chấp nhận thiệt thòi cho bản thân để ngăn chặn những mưu đồ tư lợi vị kỷ. 

a
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (thứ 2 từ trái sang) chủ trì Hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với VCCI tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Một trụ cột trong xây dựng văn hóa liêm chính khu vực công là hệ thống Quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Về bản chất, các quy định của Đảng mang tính chính trị cho nên phạm vi điều chỉnh còn rộng hơn các quy định pháp lý. Tính từ năm 2012 đến nay, đã có khoảng 250 văn bản về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được ban hành, không chỉ tập trung vào các biểu hiện hành vi, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả nhận thức, thái độ, phát ngôn của cán bộ, đảng viên, và hoạt động của tổ chức Đảng.

Hệ thống Quy định của Đảng chính là những chuẩn mực chính trị mà mỗi cán bộ, đảng viên cần nhất quán tuân thủ. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng chính là một biểu hiện rõ ràng nhất về sự chấp hành chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về xây dựng văn hóa liêm chính. Nhờ đó, chúng ta có thể từng bước giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực, gia tăng hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Thách thức cho phát triển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: mục đích cao nhất của nỗ lực ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và vun đắp văn hóa liêm chính là để góp phần làm “trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước”. Đây là quan điểm đúng đắn bởi thực tế lịch sử các nước trên thế giới cho thấy hệ lụy rõ ràng nhất nếu những biểu hiện không liêm chính khu vực công không được ngăn chặn là sẽ làm thất thoát nguồn lực công, góp phần tạo ra nguy cơ thất bại chính sách, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển của đất nước. Sâu xa hơn, những biểu hiện công quyền “bất liêm, bất chính” sẽ từng bước bào mòn, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với hệ thống cơ quan Nhà nước.
 

a
Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh (giữa) tại Hội thảo giới thiệu về Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII). Ảnh: Tuấn Việt

Cũng có nghĩa, nếu chúng ta không xây dựng được một hệ thống công quyền liêm chính thì không chỉ đặt chế độ trước những rủi ro tồn vong mà các mục tiêu phát triển đất nước sẽ đối diện với rất nhiều thách thức. Vì thế, theo Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không đơn giản chỉ chú ý đến những hành vi vụ lợi vật chất, mà trọng tâm phải là “phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

Thực tế, liêm chính trước hết là một phẩm chất gắn với cá nhân. Bởi thế, việc xây dựng văn hóa liêm chính cần ý thức chung tay của mọi thành viên trong xã hội. Chừng nào mà cá nhân vẫn hành xử “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” nhưng “thấy lợi là âm thầm tìm cách tận dụng” một cách khôn lỏi, ích kỷ, bất chấp cái lợi đó xâm phạm lợi ích chung thì chừng đó việc thiết lập liêm chính công quyền còn gặp khó khăn.

Theo Tổng Bí thư, để đẩy lui được tham nhũng, tiêu cực và từng bước thiết lập được “văn hóa liêm chính” thì không thể thiếu sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, của mọi lực lượng xã hội, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với khu vực công, xác lập văn hóa liêm chính  trước hết phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, và dũng khí của mỗi cán bộ trước Đảng, trước đất nước, trước Nhân dân. Nhất quán ý thức coi liêm chính như một giá trị đạo đức công vụ nền tảng sẽ giúp mỗi người cán bộ gia tăng khả năng tự kiểm soát bản thân và trở thành “khắc tinh” của các ý đồ bất chính, hành động bất liêm.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.