.

Thấy gì đằng sau những bản báo cáo đẹp?

Cập nhật: 08:54, 14/05/2023 (GMT+7)

Câu chuyện trách nhiệm đằng sau những bản báo cáo đẹp một lần nữa lại làm nóng dư luận và phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hậu COVID-19, nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, kinh tế nước ta đã đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao, đạt được 13/15 chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh những tín hiệu tích cực cần ghi nhận, những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ rõ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế.

Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp có không ít đơn vị đã phải gồng mình để duy trì hoạt động sản xuất, phát triển. Rất nhiều doanh nghiệp thẳng thắn nói về việc họ phải dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa qua, bây giờ không còn dư địa nào để làm.

a
Tâm lý sợ trách nhiệm của một số cán bộ khiến thủ tục đầu tư dự án bị đình trệ, chậm phê duyệt

Ngay chính ngài Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận “nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán, và bán bằng 50% giá thực”.

Và trong giải trình về Báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay khó khăn bên trong là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm cán bộ các cấp.

Ông Nguyễn Chí Dũng nêu lại việc năm 2022, TP.HCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và Bộ đã trả lời 604 văn bản. Các vấn đề đó không quan trọng, mà quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Đó là hiện tượng né tránh, đá bóng.

Liên quan đến bản báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các kết quả “màu hồng” chưa đưa hết, yếu kém, đề cập chung chung trong các Báo cáo về kinh tế, xã hội. Các vấn đề liên ngành như đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… qua số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy hiệu lực điều hành rất yếu, kể cả cấp Trung ương và địa phương.

Dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên mà bản báo cáo nhận được nhiều phản hồi "nóng" tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vậy. Vậy vấn đề ở đây là gì? Đó vẫn là câu chuyện “đá quả bóng trách nhiệm” trong công tác thực thi nhiệm vụ, đó là những bản báo cáo con số luôn đẹp đẽ, ngôn từ luôn mỹ miều.

Do đâu những bản báo cáo luôn đẹp? Nó xuất phát từ công tác dự báo, tham mưu cũng còn bị động, phản ứng chính sách không kịp thời và bệnh thành tích kèm tâm lý an toàn, sợ trách nhiệm của cán bộ.

Nhìn lại, một loạt các vụ án tham ô, tham nhũng lớn gần đây đã phơi bày sự tha hóa đáng báo động của cán bộ, công chức, kể cả những người giữ trọng trách ở các bộ ngành quan trọng. Trong số này, có không ít người giỏi, trình độ chuyên môn cao, nhưng tham lam, và thiếu đi dũng khí của người phụng sự.

Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng trên, nhưng rõ nhất vẫn là chất lượng nhân sự. Thực tế, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm hầu hết đều đạt yêu cầu và người muốn vào làm việc cho cơ quan, đơn vị, kể cả doanh nghiệp nhà nước khó thấy những quy trình tuyển dụng minh bạch và công bằng để theo đuổi.

Ngoài ra, những trở ngại thủ tục hành chính bấy lâu thường đề cập bởi chính sách nhưng lại ít khi nhắc trách nhiệm những người trực tiếp xử lý công việc. Điều này còn có nguyên nhân năng lực cán bộ hạn chế thấy gì cũng sợ, không dám làm, thiếu trách nhiệm người đứng đầu. Tâm lý này cũng là cơ hội nảy sinh các hình thức xin - cho, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hồ sơ và các công việc khác có liên quan.

Có điều, cần nhìn nhận một thực tế không mấy vui rằng, thông thường, người nào sợ đổi mới, sẽ là người sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm. Họ thường cũng là người hèn nhát, dễ a dua với cái xấu. Thành thử, căn bệnh sợ nghĩ, sợ làm, sợ chịu trách nhiệm đã tạo ra một lớp cán bộ sống và làm việc an toàn, thụ động, cản trở nghiêm trọng sự phát triển đất nước.

Phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề “quả bóng trách nhiệm” đằng sau các bản Báo cáo đẹp đó là gắn trách nhiệm cá nhân với mỗi nhiệm vụ cụ thể và trong mỗi một dự án, mục tiêu cần có một “nhạc trưởng” đứng ra chỉ đạo và nhận trách nhiệm. Có công ắt có thưởng, có tiêu cực sẽ bị xử lý là lẽ công bằng.

Điều này cũng có nghĩa, một khi đã có “nhạc trưởng” chỉ đạo, theo dõi phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối tổ chức thực hiện hẳn sẽ kịp giải quyết các trở ngại, ứng phó kịp thời với mọi tình huống phát sinh.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.