.

Không để "ma men" đưa lối dẫn đường

Cập nhật: 21:42, 26/01/2024 (GMT+7)

Quy định, chế tài, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã đi vào cuộc sống với mức xử phạt tăng cao. Thế nhưng điều đáng buồn là số tài xế “ma men” bị xử phạt vẫn tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tái diễn những vụ tai nạn thương tâm… Do đó, cần “mạnh tay” hơn nữa, không thể để ''ma men'' đưa lối dẫn đường.

Theo thống kê, trong năm 2023, các cơ quan chức năng phạt tới 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; cao gấp 1,5 lần năm 2022.
Theo thống kê, trong năm 2023, các cơ quan chức năng phạt tới 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; cao gấp 1,5 lần năm 2022.

Theo thống kê, trong năm 2023, các cơ quan chức năng phạt tới 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; cao gấp 1,5 lần năm 2022 và hơn tổng số 3 năm 2020-2022 cộng lại. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) còn cho biết, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn trong năm 2023 tăng hơn 460.000 tài xế so với năm 2022. Phần lớn tài xế vi phạm là người điều khiển xe máy.

Kết quả này một phần là do các tổ công tác đặc biệt xử lý người vi phạm nồng độ cồn vẫn tham gia giao thông đã được triển khai rất mạnh mẽ. Người vi phạm bị “tuýt còi” thì khó có thể xin hay can thiệp nhằm “giải cứu” được. Riêng tại Hà Nội, “cuộc chiến” với vi phạm nồng độ cồn vẫn được triển khai thường xuyên, liên tục. Các tổ công tác đặc biệt chủ công là Phòng Cảnh sát giao thông, Trung đoàn Cảnh sát cơ động phối hợp cùng Công an các quận, huyện của Thành phố đã đồng loạt ra quân. Khác với các tổ công tác trước đây, lần này, lực lượng tham gia đông và phối hợp nhiều ngành.

Nhưng đáng lo ngại là cho dù kiểm soát “căng” như vậy nhưng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn chưa giảm. Trong khi đó, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, mức độ thảm khốc thường cao hơn so với các vụ tai nạn không liên quan đến rượu, bia. Và trong số các nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông thì lái xe sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu.

Với mức độ nguy hiểm khi đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe như vậy, ở một số nước đã tăng mức phạt lên rất nặng, ngoài phạt tiền còn bắt buộc phải lao động công ích, thậm chí phạt tù với hành vi uống rượu, bia cố tình lái xe.

Ở Việt Nam, chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 rồi đến các Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 117/ 2020/NĐ-CP cùng các luật, nghị định liên quan quy định việc xử phạt nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.

Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Nếu người tham gia giao thông vi phạm các điều khoản trong đó, sẽ bị xử lý hình sự. Thực tế, không ít trường hợp người sử dụng rượu, bia lái xe gây chết người đã bị xử lý hình sự.

Có thể thấy, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng đã rất rõ, mức phạt đủ sức răn đe. Ai vi phạm hành vi ở mức độ nào, sẽ bị phạt bao nhiêu tiền, có kèm theo hình phạt bổ sung hay không. Nếu vi phạm rồi gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự theo các chế tài khác nhau.

Ví dụ như mức xử phạt được quy định tại Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, với một số điểm rất cần chú ý đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu/khí thở; sẽ bị phạt tiền lẫn phạt bổ sung tùy theo mức độ vi phạm: Với người điều khiển ô tô: mức phạt cao nhất 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 24 tháng; với người điều khiển xe máy: mức phạt cao nhất 8 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 24 tháng; ngay cả với người đạp xe đạp, vi phạm nồng độ cồn cũng cũng có thể bị phạt tới 600.000 đồng.

Thế nhưng, có vẻ như tai nạn giao thông do rượu, bia vẫn chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Trong đó, riêng trong dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 7.570 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng 71% (tăng 3.200 trường hợp)… Có người đã “bức xúc” cho rằng, có lẽ “dân nhậu” “điếc không sợ súng”, nghĩ rằng chuyện tai nạn kia là do “sống chết có số”! Chính những suy nghĩ này cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra và chưa có biện pháp triệt để để ngăn chặn.

Thế rồi mỗi khi xuất hiện một vụ tai nạn do người uống rượu, bia gây ra, xã hội đều "sôi sục" lên. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy bức xúc và lên án những tài xế đã uống rượu, bia rồi mà vẫn lái xe. Thế nhưng, cũng không ít người trong số chúng ta đang bức xúc ấy, ở thời điểm nào đó lại dễ dàng “thỏa hiệp” với “ma men” và chấp nhận để nó đưa lối, dẫn đường, trong đó có cả các cán bộ đảng viên, công chức, viên chức.

Thế nên ngay tại Bình Định, từ tháng 12/2023 đến nay, Công an tỉnh phát hiện và lập biên bản xử phạt 11 cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, đáng chú ý có ông T.N.H - Phó Bí thư Đảng uỷ phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), ông Đ.T.D - cán bộ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định. Cả hai đều có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/l khí thở…

Thiết nghĩ, vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn  2024. Để “giải tỏa” được những vấn nạn đã uống rượu, bia vẫn còn lái xe thì tiếp tục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người.

Bản thân mỗi cá nhân phải biết tôn trọng bản thân mình, trân trọng gia đình mình, giữ gìn cho những người bạn của mình và quan trọng là phải “biết sợ” thì mới mong điều chỉnh được việc sử dụng bia, rượu mà vẫn lái xe. Từ đó, con đường về nhà, đi du xuân Giáp Thìn là con đường của những tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải nơm nớp nỗi lo tai nạn giao thông.

Đặc biệt, để giữ gìn sự bình yên cho mọi gia đình và xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, phạt thật nặng, tới mức người bị phạt sợ không dám tái diễn hành vi vi phạm; người bên ngoài nhìn vào rút ra bài học cho chính mình là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật giao thông. Đặc biệt là “nói không” với mọi trường hợp can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm để người tham gia giao thông cần “chỉnh đốn” lập tức thái độ, tự mình phải biết “nói không” với bia, rượu, nếu không muốn một cái Tết mất vui cũng là nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước…

(Theo dangcongsan.vn)

 

.
.
.