Xây dựng và thực thi pháp luật minh bạch, sát thực tiễn
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định. Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ tập trung cao cho xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song trên thực tế nhiều vấn đề, nội dung được pháp luật quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua; nhiều vấn đề quan trọng đang cần có luật pháp điều chỉnh.
Trong những năm qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ khi Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Bộ Chính trị ban hành, sau đó là Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Chính phủ và Quốc hội các khóa đã xây dựng một hệ thống pháp luật đồ sộ; các chủ thể có thẩm quyền cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như pháp lệnh, nghị định, thông tư, nghị quyết, quyết định… để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của luật. Chất lượng của hệ thống pháp luật ngày càng được nâng cao, về cơ bản đã bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ, hợp hiến, hợp pháp. Tính công khai, minh bạch từng bước được nâng lên.
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tồn tại tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy định gây khó khăn trong việc thực thi. Hạn chế này dẫn đến việc tạo cơ hội cho các chủ thể “lách luật”, thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Một số văn bản quy phạm pháp luật có tuổi thọ ngắn, thường xuyên thay đổi dẫn đến tính ổn định thấp, tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế cao. Thực tiễn cho thấy, trung bình 10 năm Quốc hội thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các luật, bộ luật như: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự… Có những luật thời gian rà soát ngắn hơn như Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Cá biệt, có những bộ luật quan trọng như Bộ luật Hình sự năm 2015 phải tạm hoãn thi hành để thực hiện sửa đổi, bổ sung, khắc phục sai sót. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với điều kiện khách quan của đất nước là cần thiết, tuy nhiên nếu thường xuyên thay đổi sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi. Các văn bản quy phạm pháp luật muốn đi vào đời sống xã hội thì trước hết phải xuất phát từ chính thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua có không ít quy định chưa thực sự phù hợp, làm giảm hiệu quả điều chỉnh của pháp luật. Mặc dù các quy định này đã được hủy bỏ ngay sau khi có sự phản hồi từ các tầng lớp trong xã hội nhưng gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, tốn kém kinh phí, thời gian phát sinh trong quá trình xử lý văn bản không phù hợp. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít cơ quan ban hành văn bản sai về thẩm quyền, nội dung, hình thức, thủ tục bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”.
Đảm bảo việc xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật sát thực tiễn là yêu cầu có tính bắt buộc, thể hiện đúng 8 tính chất luật pháp của nhà nước pháp quyền đã được Đại hội XIII của Đảng xác định rất cụ thể là: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Trong đó, các nội dung phải được thể hiện rõ, không để một nội dung có thể hiểu nhiều nghĩa. Cùng với xây dựng các luật, các bộ ngành cũng cần khẩn trương xây dựng, ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành để pháp luật thực sự và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
(Theo sggp.org.vn)