Khẳng định tính đúng đắn của đường lối ngoại giao "Cây tre Việt Nam"
Chúng ta luôn tự hào và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” của Đảng. Từ đó, nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng, cũng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ảnh minh họa: Cờ Việt Nam và các nước trên thế giới. |
Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới. Cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, chính trị cường quyền, nguy cơ chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột và tình hình căng thẳng, bất ổn trên thế giới gia tăng; kinh tế thế giới phục hồi chậm, an ninh truyền thống và phi truyền thống (nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh con người, an ninh mạng...) đan xen ngày càng phức tạp,.. hợp thành những trở ngại không nhỏ, vượt khỏi tầm kiểm soát ở từng khu vực và mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, đã “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”
Kể từ sau những hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay"
Đất nước ta càng đạt được những thành tựu phát triển to lớn, toàn diện (trong đó có lĩnh vực đối ngoại), thì các thế lực thù địch, phản động lại càng hằn học, điên cuồng tìm mọi cách để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, toan tính chọn ra “khoảng trống” trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lĩnh vực đối ngoại, tập trung xuyên tạc đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, gieo rắc, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, tạo tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thuật ngữ Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” gần đây được xuất hiện và trở nên phổ biến tại các diễn đàn ngoại giao ở trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ về đường lối đối ngoại của Việt Nam: “cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người..."
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư tái khẳng định "cây tre Việt Nam" với những góc tiếp cận “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”
Đến Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" ”
Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với thuộc tính Vững ở gốc, Chắc ở thân, Uyển chuyển ở cành, đã được kiểm nghiệm và đúc kết qua thực tiễn quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nay đã được hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhất quán vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Từ những phân tích trên cho thấy, các thế lực thù địch (được chỉ rõ tên trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị) tập trung xuyên tạc trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, thực chất là xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế, gây ra sự hiểu sai về đất nước, con người Việt Nam; tìm cách cô lập Việt Nam với thế giới... Họ phủ nhận giá trị lịch sử và nhân văn của ngoại giao “Cây tre Việt Nam” và cho rằng, đường lối “ngoại giao cây tre” là “theo chiều gió”, “không có chính kiến, thiếu lập trường nhất quán”, “bắt cá hai tay”...
Chuyến thăm cấp cao chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10 - 11/9/2023), hai bên nhất trí nâng cấp thiết lập quan hệ, thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Nhưng các thế lực thù địch đã xuyên tạc kết quả, ý nghĩa của chuyến thăm. Gần đây, trên một số trang mạng phản động: “Daploisongnui”, “Đài Á Châu tự do”, “Thongluan”, “Baotiengdan”... các thế lực thù địch lại tung ra những luận điệu sai trái: “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; “sẽ có một vận hội mới với phong trào dân chủ ở Việt Nam sau chuyến thăm của Biden”;…
Sự kiện Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tập Cận Bình, ngày 12 - 13/12/2023, đã trở thành mục tiêu xuyên tạc của các lực lượng thù địch. Việt Tân, Tiếng Dân News, RFA, BBC, VOA tiengviet, Nguyễn Văn Đài, Mạc Văn Trang... tiếp tục bịa đặt và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của chuyến thăm: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào vòng kim cô, vào cái thòng lọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, “bước đi dứt khoát đẩy Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”... Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc một cách trắng trợn trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, lộ rõ âm mưu phủ nhận đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ... trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế,... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế, các diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia - dân tộc. Theo đó, với Trung Quốc, chúng ta tăng cường quan hệ (thể hiện qua Thông cáo chung Việt Nam - Trung quốc với 36 thỏa thuận), “Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”. Với Hoa Kỳ, chúng ta nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện “Hai Nhà Lãnh đạo hoan nghênh một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường”[8], trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả hơn.
Với những chính sách tạo được lòng tin, sự tin cậy đối với các tổ chức và các nước trên thế giới, hiện nay mạng lưới các mối quan hệ đối tác của Việt Nam tiếp tục được củng cố và mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, gia tăng điểm đồng, đan xen lợi ích; chúng ta đã thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới điển hình như “CPTPP, EVFTA, RCEP”[9], đặc biệt với AFTA.. Theo đó, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với đủ 5 Ủy viên Thường trực và các thành viên của Liên hợp quốc. Kênh Đảng, với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; kênh Quốc hội, với hơn 140 nước; kênh nhân dân, với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017; Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) 2016 - 2018…
Những thành tựu đã đạt được, cũng như thực tiễn sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước; củng cố sự tin cậy của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với Việt Nam; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Là cán bộ, đảng viên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong và ngoài nước, chúng ta luôn tự hào và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, chúng ta cần chấp hành nghiêm Quy định về “Những điều đảng viên không được làm” và những Quy định khác của Đảng. Tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức thực tiễn để “tăng cường sức đề kháng”, “miễn dịch” của chính mình trước âm mưu “tự diến biến”, “tự chuyển hóa”; để không chỉ, nhận diện ngay cho được những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch mà còn, kịp thời kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng cũng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Theo dangcongsan.vn