Chú trọng tháo gỡ điểm nghẽn thể chế
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một trong những yêu cầu là “dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Vấn đề Tổng Bí thư nêu đã chỉ đạo trúng vào một trong những khâu yếu căn cốt của công tác lập pháp nước ta lâu nay là vẫn còn tình trạng nặng về hành chính, chưa theo sát công cuộc đổi mới và đời sống xã hội. Hệ quả là vừa không khuyến khích được sáng tạo, vừa không giải phóng được sức sản xuất, thậm chí làm tắc nghẽn nguồn lực và nảy sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, tình trạng phải “cấm” do không “quản” được cũng là một trong những hệ quả của tình trạng nêu trên. Có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp “cấm do không quản được” trong những năm vừa qua. Điển hình như, đầu những năm 2015, dịch vụ taxi U Ber vào Việt Nam, tuy ai cũng thấy dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng đã không được hoạt động do các văn bản quy định về dịch vụ vận tải công cộng của nước ta vào thời điểm đó chưa có loại hình taxi U Ber, mặc dù trên thế giới đã có từ năm 2009. Thế là, chỉ do thiếu chữ “taxi U Ber” trong văn bản mà phải cấm loại hình vận tải vừa giá rẻ, vừa mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Thực tế cho thấy, việc "cấm" thì dễ, nhưng quản, phát huy được hiệu quả của những dịch vụ mà xã hội cần mới là điều người dân kỳ vọng; thậm chí là yêu cầu đối với cơ quan quản lý. Đó mới là sự thay đổi tư duy theo hướng tiến bộ và việc cần làm của cơ quan quản lý. Thực tiễn chứng minh, nếu các ngành, các cấp năng động, bám sát đời sống xã hội; kịp thời chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách hoặc bãi bỏ văn bản đã lạc hậu, thì sẽ khai thác được những yếu tố tích cực, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và doanh nghiệp.
Còn không ít dẫn chứng cho thấy việc có lúc, có thời điểm, công tác lập pháp nước ta còn chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Đây chính là một trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra, là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Nhất là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, dẫn đến cản trở việc thực thi, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu như một mệnh lệnh: “Dứt khoát bỏ tình trạng không quản được thì cấm”; trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị, “nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ”.
Mà một trong những giải pháp để khắc phục là: “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành...”.
Một vấn đề căn cốt nữa là người làm Luật phải thấu triệt quan điểm Luật không chỉ để quản lý, mà còn gánh vác trọng trách khơi thông nguồn lực trong dân. Muốn vậy, như Tổng Bí thư yêu cầu một cách hình ảnh, là: “Phải đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp”. Nghĩa là, cả người làm luật và người “duyệt” luật phải hòa mình vào đời sống xã hội, phải lấy cảm hứng sáng tạo từ trăn trở, tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
“Dứt khoát bỏ tình trạng không quản được thì cấm” trong công tác lập pháp, là mệnh lệnh của Đảng, đồng thời cũng là nguyện vọng của toàn dân và là yêu cầu của công cuộc đổi mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Theo dangcongsan.vn