"Lãnh đạo thi đua"!
Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11 là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại tiến hành tổng kết phong trào thi đua của năm cũ và phát động thi đua của năm mới.
Đây là hoạt động rất quan trọng, tạo động lực và khí thế thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm mà những người xu nịnh được dịp để tâng bốc các đồng chí lãnh đạo.
Ảnh minh họa. |
“Có lẽ nên đổi danh hiệu “chiến sĩ thi đua” thành danh hiệu “lãnh đạo thi đua” vì những người lên nhận danh hiệu cao quý này đều là lãnh đạo cả”. Nhân viên của một cơ quan đã nói với tôi như vậy.
Tại một cơ quan nọ, từ nhiều năm nay, người được giới thiệu để bầu “chiến sĩ thi đua” đều trong “dàn lãnh đạo”. “Đúng là các đồng chí đó đều vất vả vì “một người lo bằng kho người làm”. Thế nhưng nếu không có cán bộ, nhân viên cấp dưới giúp thì các đồng chí đó làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ được?” - Một nhân viên trong cơ quan phàn nàn.
Khi nghe tôi hỏi: “Thế sao các bạn không có ý kiến trong cuộc họp?”. Nhân viên đó trả lời: “Cũng có năm, có người nêu ý kiến này ra thế nhưng lại bị những người xu nịnh phản đối và “sếp” thì phán: “Thôi thì thiểu số phục tùng đa số, ta cứ dân chủ bầu chọn”. Cuối cùng thì “sếp” vẫn trúng chiến sĩ thi đua.
Nghe người nhân viên nói trên phàn nàn, tôi chợt nhớ đến ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội nghị đối thoại với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2024 của Bộ này tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tập trung khen thưởng cho cán bộ cấp dưới nhiều hơn để khuyến khích tinh thần thi đua. "Việc thi đua, khen thưởng nên ưu tiên cán bộ cấp dưới nhiều hơn, để thực sự là "chiến sĩ thi đua" chứ không phải "lãnh đạo thi đua", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc; thi đua từ trong công việc thường ngày, thi đua trong tất cả mọi việc, mọi lĩnh vực, mọi giới, mọi ngành, càng khó khăn càng phải thi đua. Người từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1); “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”(2); “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(3).
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước đã kiên cường chiến đấu, lao động và học tập, lập nên những chiến công vang dội trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua có sự đóng góp to lớn của các phong trào thi đua yêu nước đầy tính sáng tạo từ cơ sở, từ Nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, bên cạnh các địa phương, cơ quan đơn vị thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, vẫn còn một số nơi xem nhẹ công tác này. Đặc biệt là “căn bệnh” phô trương, hình thức, lãng phí đã và đang “len lỏi” tới các phong trào thi đua. Biểu hiện rõ nhất đó là tổ chức phát động hoành tráng, ký kết nội dung nhưng làm không thực chất, chỉ “phát” mà không “động” nên nội dung thi đua chỉ nằm trên giấy, hay chỉ té nước theo mưa. Đến khi tổng kết, bình xét thì nghĩ cách làm sao để cá nhân mình, đơn vị mình đạt thành tích như đã đăng ký. Vì vậy, thường né tránh khuyết điểm, “tô hồng” thành tích bằng báo cáo với kiểu đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”…
Tình trạng “chạy” danh hiệu, “chạy” bằng khen, giấy khen, “chạy” huân chương, chạy danh hiệu “chiến sĩ thi đua” đã xảy ra ở nhiều nơi. Thậm chí có trường hợp vừa nhận khen thưởng xong đã phải xử lý kỷ luật.
Tâm lý xét thi đua “cào bằng, phân bổ, chỉ định trước”, mà bỏ qua quan điểm lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực của tập thể, cá nhân đang tồn tại trong không ít cơ quan, đơn vị. Thế nên ở đâu đó, nơi này nơi kia vẫn còn hiện tượng khen thưởng “luân phiên” hoặc tập trung ưu tiên cho một số lãnh đạo.
Với cách tổ chức phong trào thi đua rồi bình xét khen thưởng kiểu đó, thì đương nhiên là không đem lại hiệu quả, không phát hiện và nhân rộng được những “hạt giống đỏ”, không làm cho những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua được nở rộ, không tạo ra động lực năng lượng tích cực cho đất nước, cần phải được chấn chỉnh./.
Theo dangcongsan.vn