Cảnh báo các loại thuốc sát trùng chứa cồn không còn tác dụng
Một số vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng "thích nghi" với những chất khử trùng chứa cồn có trong nước rửa tay và các dụng cụ sát trùng, qua đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: State Farm) |
Các loại dung dịch, xà phòng rửa tay để sát trùng có chứa cồn được sử dụng rộng rãi trên thế giới và có khả năng ngăn chặn một loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có tên gọi là Tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự gia tăng của một loại vi khuẩn khác có trong ruột gọi là Enterococcus faecium (E.faecium) và loại khuẩn cầu ruột này có thể lây lan qua ống thông tiểu, máy thở.
Để hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra sự lây lan vi khuẩn trên, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu bệnh ở 2 bệnh viện tại Melbourne, Australia từ năm 1997 đến năm 2015. Kết quả cho thấy các mẫu vi khuẩn thu được sau năm 2009 nhìn chung tồn tại lâu hơn sau khi tiếp xúc với thuốc sát khuẩn chứa cồn so với các mẫu vi khuẩn thu thập từ trước năm 2004.
Tác giả nghiên cứu trên, nhà vi sinh Tim Stinear thuộc Viện miễn dịch và nhiễm trùng Doherty của Đại học Melbourne, cho biết khả năng tồn tại lâu hơn như vậy sẽ giúp vi khuẩn có thể không những không bị tiêu diệt mà còn gây nhiễm trùng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có vấn đề gì đó về sinh lý của khuẩn E.faecium giúp loại khuẩn cầu ruột này ngày càng "thích nghi" với môi trường thuốc sát khuẩn chứa cồn.
Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm khuẩn cầu ruột E.faecium đang gia tăng dù có sử dụng thuốc sát trùng và đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng tại bệnh viện hiện nay.
Tại Australia, khuẩn E.faecium là nguyên nhân gây ra 1/3 số ca nhiễm khuẩn cầu ruột, trong đó 90% kháng kháng sinh ampicillin và 50% kháng vancomycin. Trong khi đó, trên thế giới cứ 10 trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện thì có 1 ca nhiễm khuẩn cầu ruột.
Nhiễm khuẩn cầu ruột hiện là nguyên nhân thứ tư gây nhiễm trùng tại Bắc Mỹ và thứ 5 tại châu Âu. Chi phí đối với bệnh nhân nhiễm khuẩn cầu ruột kháng vancomycin (VRE) thường rất cao vì cần phòng cách ly, cơ chế vệ sinh riêng và ảnh hưởng đến nhân viên y tế, cũng như nhiều vấn đề khác.
(Theo TTXVN)