.
KHU CÁCH LY TẠI TRƯỜNG QUÂN SỰ TIỀN GIANG:

Người được cách ly được chăm sóc tận tình

Cập nhật: 13:52, 11/03/2020 (GMT+7)

Sau 1 tuần lưu trú ở khu cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Quân sự Tiền Giang, người được cách ly nơi đây đã bày tỏ niềm vui, lòng biết ơn trước sự quan tâm, chăm sóc của tỉnh Tiền Giang tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt.

Những người đang lưu trú tại khu vực cách ly cho biết, họ rất ấm lòng khi trở về Việt Nam được đón tiếp, tạo điều kiện và chăm sóc tốt. Hẳng ngày, mọi người được các chiến sĩ Quân đội lo cơm ăn 3 bữa; y, bác sĩ đo thân nhiệt theo dõi sức khỏe cũng như khám, cấp thuốc khi có bệnh; các hộ lý lau dọn, sát khuẩn khu vực sinh hoạt…

Quân nhân chuẩn bị tiếp thực phẩm cho những người bị cách ly.
Quân nhân chuẩn bị tiếp thực phẩm cho những người bị cách ly.

8-3 Ở ĐÂY CŨNG VUI LẮM !

Bà Phạm Thị Chiên (quê tỉnh Bình Định) cho biết: “Mặc dù đang trong thời gian phải cách ly y tế theo quy định nhưng tôi không hề bị gò bó. Ngược lại, tôi cũng như những người khác đều được đối đãi tử tế, chăm sóc, giúp đỡ tận tình. Hết hạn cách ly, chúng tôi sẽ được về nhà trong an toàn, giúp cho bản thân, người thân và xóm giềng yên tâm”.

Chị Huỳnh Thị Diễm (quê ở TP. Cần Thơ) cho biết, chị sang Hàn Quốc để kinh doanh được vài năm nay. Cùng trở về Việt Nam với chị Diễm trong chuyến bay còn có những thân nhân của chị. “Ở khu cách ly rất vui, hằng ngày, chúng tôi sinh hoạt, ngủ nghỉ thoải mái. Thức ăn được các chú bộ đội nấu rất ngon. Các bữa ăn hằng ngày đều được thay đổi món. Mỗi bữa ăn ngoài cơm, canh, món mặn, còn có trái cây... Nếu muốn ăn, uống gì thêm thì chúng tôi chỉ cần đặt qua mạng là có người chuyển đến cổng ngay. Đặc biệt, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua, chúng tôi còn tổ chức chúc mừng nhau, vui lắm!” - chị Diễm vui vẻ chia sẻ.

Được biết, tối ngày 4-3, khu vực cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Quân sự Tiền Giang đón tiếp 383 người Việt Nam và các nước Hàn Quốc, Thụy Sĩ được đưa đến cách ly trong vòng 14 ngày. Mặc dù ban đầu có những bỡ ngỡ, nhưng sau đó họ đều quen và thực hiện đúng nội quy của khu cách ly. Đơn vị quản lý cũng tạo điều kiện để họ thuận lợi nhất trong sinh hoạt. Chẳng hạn những người ăn chay được cung cấp thực phẩm chay; hằng ngày ngoài suất ăn cho người lớn, 5 trẻ em trong khu vực cách ly cũng được nhà bếp nấu thức ăn riêng phù hợp với lứa tuổi của các bé, cung cấp thêm võng cho các bé khi gia đình có nhu cầu. Đặc biệt, khu cách ly còn tiếp nhận thêm 2 thân nhân của các gia đình có con nhỏ đến phụ giúp chăm sóc các bé.

Đại tá Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Quân sự Tiền Giang kể vui: “Hôm mới tiếp nhận người vào khu cách ly, có 1 cô gái trong đoàn làm chúng tôi “rối hậu cần”. Gần 10 giờ đêm, cô ấy khóc và cố tình bảo bị mất hết tư trang, hành lý nên không có quần áo thay. Cô ấy đề nghị chúng tôi cung cấp quần áo để mặc. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các cửa hàng mua bán quần áo ở khu vực Long Định đều đóng cửa nên có một cán bộ hậu cần phải về nhà xin vợ 2 bộ quần áo mang vào cho cô gái. Sáng hôm sau, chúng tôi mua tiếp 3 bộ quần áo nữa để cô ấy có quần áo để thay mặc hằng ngày. Cô ấy cố tình làm như vậy để đòi ra ngoài, chứ hành lý, tư trang không hề bị mất; nay thì cô ấy ổn rồi!.”

HẾT LÒNG VÌ SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI BỊ CÁCH LY

Để đảm bảo phục vụ chu đáo cho 383 người với nhiều lứa tuổi khác nhau là một điều không hề đơn giản. Hằng ngày, tại khu vực cách ly y tế ở Trường Quân sự Tiền Giang có gần 100 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang làm công việc phục vụ cho những người bị cách ly. Với tinh thần trách nhiệm, họ đã vượt qua vất vả, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để có những bữa ăn ngon và đảm bảo đúng giờ ăn cho những người này, 20 người phải bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng cho đến hơn 19 giờ tối mới về nhà. Anh Ngô Văn Định, bếp trưởng nhà ăn của khu cách ly cho biết, anh em nhà bếp phải lên thực đơn chi tiết cho 1 tuần.

Thức ăn sáng thay đổi hằng ngày, thức ăn bữa chính luôn phải có canh và món mặn nhưng không được trùng lại để người ăn không ngán. Trong quá trình từ nhập nguyên liệu cho đến chế biến phải đảm bảo sạch, an toàn. Thức ăn nấu xong, phân chia từng phần cho mỗi người, sau đó vận chuyển đến cho người ăn. Do đó, hầu như anh em nhà bếp phải làm việc liên tục 14 đến 15 giờ mỗi ngày. “Tuy vất vả nhưng là nhiệm vụ thì chúng tôi phải chấp hành. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến cho họ những bữa ăn ngon để có sức khỏe” - anh Định nói.

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện bất thường sức khỏe của người bị cách ly, mỗi ngày 2 lần các y, bác sĩ của tổ trực y tế phải trực tiếp đến từng phòng để thăm khám cho họ. Đồng thời, các hộ lý phải làm vệ sinh, sát khuẩn từng khu vực và các phương tiện vận chuyển, tiếp thực phẩm; nhân viên y tế dự phòng phun xịt thuốc diệt khuẩn tất cả rác thải trước khi đưa đi tiêu hủy.

Đây là những công việc nguy hiểm nhưng không một ai được lơ là nhiệm vụ. Y sĩ Huỳnh Văn Tiếp và hộ lý Thái Thị Thu Trang là nhân viên Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho biết, anh, chị đã trực ca thứ 3 tại khu vực cách ly. Covid-19 là dịch bệnh nguy hiểm, do đó khi làm nhiệm vụ phải đảm bảo đúng quy trình phòng ngừa lây nhiễm, thực hiện đúng nguyên tắc phòng hộ để bản thân được an toàn và giữ an toàn cho người xung quanh.  

Nếu như nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe, bộ đội lo hậu cần, cấp dưỡng thì những chiến sĩ công an phải ngày đêm túc trực bảo vệ an ninh, an toàn cho những người trong khu vực cách ly. Trung tá Nguyễn Văn Bé Năm, Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Châu Thành cho biết: “Chúng tôi đã có mặt tại khu cách ly 1 ngày trước khi tiếp nhận người vào cách ly và nhận nhiệm vụ túc trực bảo vệ suốt thời gian họ cách ly. Lực lượng chúng tôi chia ca bảo vệ 24/24 ngày cũng như đêm, không ai được rời khỏi khu vực dù ra trực”.

THỦY HÀ

.
.
.