.
BÁC SĨ NGUYỄN VĂN TRẠNG, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM Y TẾ TP. MỸ THO:

Cần tổ chức khám sức khỏe cho người vừa đến 60 tuổi

Cập nhật: 12:46, 27/04/2020 (GMT+7)

Mục tiêu tổng quát của Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (gọi tắt là Đề án) giai đoạn 2017 - 2025 là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi (NCT) thích ứng với giai đoạn “già hóa” dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Nguyễn Văn Trạng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ về việc thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố thời gian qua.

* Phóng viên (PV): Thực hiện Đề án, TTYT TP. Mỹ Tho và các trạm y tế phường, xã của thành phố đã tổ chức các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe NCT như thế nào, thưa bác sĩ?

* Bác sĩ Nguyễn Văn Trạng: Các hoạt động chủ yếu của Đề án là tăng cường truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT.

Theo các nội dung trên, TTYT TP. Mỹ Tho đã thực hiện truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định về chính sách; các chức sắc, tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về thách thức của quá trình “già hóa” dân số đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT.

Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, không xem tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; trách nhiệm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT. Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.

* PV: Bác sĩ cho biết, TTYT TP. Mỹ Tho đã bố trí nguồn lực như thế nào để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT?

* Bác sĩ Nguyễn Văn Trạng: Trong thời gian qua, số lượng NCT đến TTYT TP. Mỹ Tho khám và điều trị ngày một tăng cao, chiếm phần lớn số bệnh nhân của trung tâm. Đa số NCT đến khám và điều trị thường mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái hóa khớp, ung thư, đục thủy tinh thể…

Với mô hình bệnh tật vừa nêu, nguồn nhân lực của trung tâm được bố trí tương đối đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh chưa cao do lực lượng y, bác sĩ hiện tại của trung tâm đều là bác sĩ chuyên khoa Nội tổng hợp và bác sĩ gia đình được tập huấn ngắn hạn về lão khoa. Do đó, trình độ về thực hành lão khoa còn hạn chế nên bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị còn nhiều.

Hiện cơ sở vật chất của TTYT TP. Mỹ Tho còn rất chật hẹp, luôn quá tải trong khám, chữa bệnh. Mặc dù vậy, trung tâm vẫn thành lập riêng 1 phòng khám và 5 giường nội trú phục vụ NCT. Hội đồng thuốc và điều trị của trung tâm đã xây dựng và cập nhật đầy đủ thuốc thiết yếu để phục vụ điều trị cho NCT từ tuyến thành phố cho đến tuyến cơ sở là các trạm y tế phường, xã.

* PV: Theo bác sĩ, việc phối hợp với các trạm y tế để thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NCT hằng năm ra sao và đâu là những trở ngại trong việc thực hiện?

* Bác sĩ Nguyễn Văn Trạng: Hằng năm, để thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT, bao gồm quản lý sức khỏe người từ 60 tuổi đến 79 tuổi và khám sức khỏe định kỳ cho người từ 80 tuổi trở lên, TTYT TP. Mỹ Tho đã chia các trạm y tế phường, xã thành 3 nhóm và thành lập 3 đoàn khám, với cơ cấu đầy đủ thành phần y, bác sĩ theo Thông tư 14/2013 của Bộ Y tế, để hỗ trợ cho các trạm y tế trong những đợt khám sức khỏe tập trung; đồng thời, hỗ trợ cận lâm sàng như siêu âm tổng quát, điện tim… trong khám sức khỏe cho NCT tại nhà.

Theo đó, trưởng đoàn khám sức khỏe chịu trách nhiệm giám sát hoạt động giám sát sức khỏe, kiểm tra từng hồ sơ đầy đủ trước khi ký kết luận. Các trạm y tế trong cùng nhóm hỗ trợ lẫn nhau về nhân sự, trang thiết bị y tế… nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động khác của trạm y tế, tuy nhiên trong công tác khám sức khỏe cho NCT cũng gặp phải không ít khó khăn.

Cụ thể, do người trên 80 tuổi trở lên đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và thường mắc các bệnh mãn tính lâu năm, bệnh thường nặng nên được khám ưu tiên tại tuyến trên, vì vậy khám sức khỏe tại trạm y tế không được người nhà của họ ủng hộ. Bên cạnh đó, số lượng NCT đến khám tại các trạm y tế không cao, dù hơn 1 tuần trước khi tổ chức khám bệnh đều phát thanh thông báo nhiều lần tại phường, xã, thậm chí cộng tác viên đến tận nhà mời. Do đó, phải tốn rất  nhiều thời gian để tổ chức chiến dịch, khám bệnh theo cụm, khám bệnh tận nhà cho NCT nhiều lần để đạt chỉ tiêu.

Như đã nêu ở trên thì số lượng NCT khám, chữa bệnh tại TTYT TP. Mỹ Tho  ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số bệnh nhân đến khám tại trung tâm (khoảng 41,5% theo số liệu khám, chữa bệnh năm 2019). Bên cạnh đó, dù cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực còn hạn chế nhưng Ban Giám đốc trung tâm luôn quan tâm sắp xếp các khoa, phòng, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh ngày càng khoa học, đặc biệt là áp dụng phần mềm khám, chữa bệnh nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân nói chung và NCT nói riêng.

* PV: Đâu là giải pháp để TTYT TP. Mỹ Tho và trạm y tế các  phường, xã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh NCT, thưa bác sĩ?

* Bác sĩ Nguyễn Văn Trạng: Để đạt được mục tiêu đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn “già hóa” dân số, trong thời gian tới, sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y, bác sĩ chuyên về lão khoa, cử cán bộ đi tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chăm sóc sức khỏe NCT. Phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội NCT để thống kê chính xác số liệu về NCT; từ đó tăng cường công tác tuyên truyền vận động phong trào sống vui, sống khỏe trong các câu lạc bộ của NCT như Câu lạc bộ dưỡng sinh, cờ tướng… Đặc biệt chú ý cần tổ chức khám sức khỏe cho người vừa đến 60 tuổi để lập hồ sơ quản lý sức khỏe (không nên khám sức khỏe người từ 80 tuổi trở lên như hiện nay) nhằm tránh gây lãng phí và hiệu quả chưa cao. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc sức khỏe NCT.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.