.

20/22 quận, huyện tại TPHCM có ca lây nhiễm Covid-19

Cập nhật: 10:00, 01/06/2021 (GMT+7)

Sáng 1-6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tham dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Báo cáo tại buổi làm việc, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, liên quan đến chuỗi lẫy nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp), từ ngày 26-5, TPHCM đã phát hiện 200 bệnh nhân.

Từ 18 giờ ngày 31-5 đến 6 giờ sáng nay (1-6), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Liên quan đến chuỗi lây nhiễm này. TP đã điều tra xác minh có tổng số 3.028 người là F1 (2.557 mẫu âm tính, 471 mẫu đang chờ kết quả); 15.200 người là F2 và xét nghiệm mở rộng 181.004 người (67.619 mẫu âm tính, 128.591 mẫu đang chờ kết quả).

“Hiện tổng cộng 20/22 địa phương tại TPHCM có ca bệnh cư trú trên địa bàn, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh là Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca). Các quận trên thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của TP, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2. Hội thánh có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc Covid-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TPHCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.

Một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Hội thánh:

- Cty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (số 1 Hoàng Việt, Tân Bình) có 34 ca

- Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (Tân Phú) có 9 ca

- Trường Mầm non Kid Town (địa chỉ 44 Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12) có 6 ca

- Tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận có 4 ca

- Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung có 4 ca

- Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend (104 Phổ Quang, phường 2, Tân Bình và trụ sở Bùi Thị Xuân quận 1) có 5 ca gồm 3 người cùng làm tại cửa hàng và 2 người tại trụ sở.

 - Tòa nhà Công ty trên đường Nguyễn Du có 2 ca

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho biết, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp (KCN), TP cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 KCN là KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi và KCN Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Đồng thời tối ngày 30-5 có 1 trường hợp được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 tại Long An, tuy nhiên đây là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức,) có 1.082 người lao động.

Hiện đã xác định được 146 trường hợp là F1 để cách ly tập trung và xét nghiệm. Số công nhân viên còn lại sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Công ty ngưng hoạt động từ lúc 22 giờ ngày 30-5 đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra có một số người sinh hoạt giáo phái này cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng

"Ca bệnh đã xuất hiện tại 20/22 quận, huyện trên địa bàn thành phố, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong thành phố là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh, thành lân cận." - GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2 theo yêu cầu có thu phí

Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh.

Trong tình hình dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, việc tăng cường, mở rộng xét nghiệm kiểm tra để phát hiện người mắc Covid-19 và kịp thời xử lý dập dịch là rất cần thiết. Nhiều người dân cũng có nhu cầu được chủ động làm xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2. Sở Y tế TPHCM kiến nghị cần có cơ chế cho phép thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2 theo yêu cầu (thu phí) để đáp ứng mong muốn chính đáng của người dân, đồng thời hỗ trợ thêm nguồn lực cho Nhà nước trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài cần đảm bảo độ bao phủ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân; tuy nhiên hiện nay số lượng vaccine, cung ứng cho TPHCM còn hạn chế. Số người trên 18 tuổi của TP hơn 7,2 triệu người. TP kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính để có thể chủ động cung ứng vaccine cho người dân TP. 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.