Phân tầng đúng, đầu tư hợp lý để nâng chất điều trị bệnh nhân Covid-19
Đó là nhận định của Tiến sĩ bác sĩ (TS.BS) Hoàng Trọng Hanh, Phó Trưởng khoa Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng nhóm điều trị thuộc Tổ công tác của Bộ Y tế tại Tiền Giang trong nỗ lực cứu chữa bệnh nhân Covid-19 thời gian qua.
* Phóng viên: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Như vậy, mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Tiền Giang hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?
* TS.BS Hoàng Trọng Hanh: Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Bất kỳ nền y tế nào cũng phải chuẩn bị đối mặt với sự gia tăng số lượng người nhiễm SARS-CoV-2. Việc phân loại nguy cơ tốt sẽ giúp hệ thống y tế tránh áp lực quá tải, lúng túng trong điều trị. Xác định được các nhóm người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ khác nhau, từ đó giúp cho việc điều trị, chăm sóc và hỗ trợ cho từng đối tượng người bệnh được hiệu quả, đồng thời tiết kiệm nguồn lực của ngành Y tế và xã hội.
Đến thời điểm sáng ngày 8-9, tổng số ca mắc Covid-19 tại Tiền Giang là trên 11.500 người. Hiện tại, có gần 4.200 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có trên 200 bệnh nhân nặng và bệnh nhân nguy kịch. Công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh được thực hiện theo mô hình tháp 4 tầng nhằm điều trị hiệu quả, giảm bệnh nhân nặng và tử vong.
Theo đó, tầng 1 điều trị các F0 nhẹ, không triệu chứng. Tầng 2 điều trị các F0 có bệnh nền, có triệu chứng lâm sàng và có nguy cơ bệnh diễn tiến cao hơn. Tầng 3 dành cho các F0 có những diễn biến nặng cần phải hồi sức. Tầng 4 điều trị cho các F0 có những diễn biến rất nặng cần phải hồi sức tích cực như sử dụng máy thở, liệu pháp thay thế thận liên tục… Về tình trạng sức khỏe F0, hiện có khoảng 85% bệnh nhân thuộc tầng 1, 2; khoảng 15% bệnh nhân nặng, nguy kịch được điều trị tại tầng 3 và 4.
Bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 được theo dõi tại cơ sở bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế tuyến huyện. Bệnh nhân ở tầng 3 được điều trị tại các trung tâm điều trị thuộc bệnh viện tuyến tỉnh được phân công, nơi này đã trang bị gần như đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Tầng 4 là nơi dành cho bệnh nhân nguy kịch, được điều trị tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 tỉnh và Đơn vị hồi sức cấp cứu Covid-19 (tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) giúp tập trung nguồn lực, hạn chế nguy cơ chuyển tầng muộn các trường hợp bệnh nặng.
* Phóng viên: Để chủ động cứu chữa, bảo vệ tính mạng bệnh nhân Covid-19, các cơ sở điều trị đã nỗ lực như thế nào, thưa bác sĩ?
* TS.BS Hoàng Trọng Hanh: Tại Tiền Giang, hiện nay các cơ sở y tế đã phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính được đưa ngay về các khu vực cách ly tạm thời chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. Trường hợp kết quả RT-PCR âm tính sẽ cho về tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà; trường hợp dương tính, các đơn vị điều trị tầng 1 thực hiện phân loại bệnh nhân đến đơn vị điều trị phù hợp.
Bệnh nhân Covid-19 ở tầng 3 và 4 hầu như không thể tự chủ trong sinh hoạt nên mọi việc từ đút ăn, vệ sinh, tập vận động… đều phải do nhân viên y tế hỗ trợ, phục vụ. |
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của Tiền Giang đã và đang rất nỗ lực trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Tùy theo phân tầng điều trị, các cơ sở điều trị đã được bố trí trang thiết bị và nhân lực phù hợp để theo dõi sức khỏe bệnh nhân, phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân chuyển nặng để có hướng điều trị thích hợp.
Hiện tại nhân lực tham gia điều trị F0 tại Tiền Giang được điều động từ các khoa khác của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh và các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Trong hơn 3 tháng qua, đội ngũ nhân viên y tế điều trị F0 đã làm việc cật lực trong điều kiện nhân lực mỏng, bệnh nhân đông.
Đặc biệt, tại những bệnh viện điều trị F0 tầng 3 và 4, nhân viên y tế vô cùng vất vả, bởi F0 các tầng này cần được theo dõi sát liên tục để sớm phát hiện và xử lý các tình huống xấu. Điều đặc biệt nữa là bệnh nhân Covid-19 không có người thân bên cạnh chăm sóc nên nhân viên y tế vừa là thầy thuốc vừa sắm vai người thân để chăm sóc họ. Bệnh nhân ở tầng 3 và 4 hầu như không thể tự chủ trong sinh hoạt nên mọi việc từ đút ăn, vệ sinh, tập vận động… đều phải do nhân viên y tế hỗ trợ, phục vụ. Vất vả là vậy nhưng nhân viên y tế đã không ngại khó, ngại khổ, lấy sự hồi phục của bệnh nhân làm niềm vui cống hiến.
* Phóng viên: Theo bác sĩ, đâu là thuận lợi và khó khăn của Tiền Giang trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay?
* TS.BS Hoàng Trọng Hanh: Tại Tiền Giang, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 có những thuận lợi. Đó là đã đánh giá nguy cơ của người nhiễm SARS-CoV-2 để xác định chính xác nhu cầu điều trị, trên cơ sở đó bố trí hợp lý người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở điều trị phù hợp nhằm hướng tới sự hài lòng của người nhiễm SARS-CoV-2, tối ưu hóa nguồn lực và duy trì hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, việc phân loại người bệnh theo mức nguy cơ đúng cách, nhanh chóng để đưa ra hướng xử trí phù hợp với từng mức nguy cơ tương ứng. Phát hiện được những trường hợp người bệnh có nguy cơ diễn biến nặng để can thiệp kịp thời. Lựa chọn cơ sở điều trị phù hợp đối với người nhiễm SARS-CoV-2 ở các mức độ nguy cơ khác nhau. Bảo đảm thực hiện các biện pháp cách ly an toàn, triệt để, không có nguy cơ lây nhiễm cho các đối tượng khác. Tuân thủ các hướng dẫn xử trí và điều trị nghiêm ngặt, giảm thiểu tối đa tình trạng người bệnh tiến triển nặng tại các cơ sở điều trị không phù hợp.
Tại Tiền Giang các cơ sở y tế đã phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và có sự hỗ trợ từ Tổ công tác của Bộ Y tế cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Nhóm điều trị của Tổ công tác - Bộ Y tế đã cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế tại các bệnh viện có điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh và nhân viên y tế trên toàn tỉnh. Tất cả những yếu tố trên là những thuận lợi trong công tác điều trị Covid-19 của tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, Tiền Giang có một số khó khăn như số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh do chiến dịch xét nghiệm cộng đồng trên toàn tỉnh đã gây nên gánh nặng cho các cơ sở y tế trong việc thu dung và phân tầng điều trị. Nguyên nhân tử vong gần đây do Covid-19 xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi và mắc nhiều bệnh lý nền kèm theo (bệnh lý tim mạch, phổi, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, ung thư…), cho nên ngoài điều trị Covid-19, còn phải điều trị thêm bệnh nền và chăm sóc nuôi dưỡng bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu còn thiếu, chưa đủ để đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch ngày càng đông hơn.
* Phóng viên: Khi được tăng cường thì các y, bác sĩ từ trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ Tiền Giang như thế nào, thưa bác sĩ?
* TS.BS Hoàng Trọng Hanh: Tổ công tác của Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp Tổ trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã đến hỗ trợ cho tỉnh Tiền Giang. Tổ công tác có 4 bác sĩ điều trị đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang đã tham gia chống dịch tại đây. Bên cạnh đó, nhân lực còn có sự tham gia hỗ trợ từ Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội với 13 bác sĩ và 26 điều dưỡng trực tiếp tham gia điều trị.
Ngoài ra, nhóm điều trị của Tổ công tác - Bộ Y tế đã cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế tại các bệnh viện có điều trị bệnh nhân Covid-19 và nhân viên y tế trên toàn tỉnh; chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực điều trị và chăm sóc bệnh nhân hồi sức cho các nhân viên y tế tại địa phương đặc biệt là tại 2 đơn vị hồi sức bệnh nhân Covid-19 của tỉnh.
Khi được giao nhiệm vụ đến hỗ trợ Tiền Giang, chúng tôi luôn giữ vững tinh thần cống hiến, phục vụ bệnh nhân bằng tất cả khả năng của mình.
* Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)