.

Ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trước 1-1-2022

Cập nhật: 16:40, 13/11/2021 (GMT+7)

Quốc hội yêu cầu nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ.

Sáng 13-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch

Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 1-1-2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch.

Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh: TL.
Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh: TL.

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế. Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý; tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa; đẩy mạnh biện pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, bao gồm cả trong điều trị COVID-19. Tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng theo hộ gia đình; hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế tài chính; chính sách huy động nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công - tư trong lĩnh vực y tế.

Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin.

Quốc hội cũng yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời, có Kế hoạch triển khai Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 ngay sau khi được ban hành.

Tăng cường quản lý nhà nước về đấu thầu thiết bị y tế

Nghị quyết nêu rõ: Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Sắp xếp, bố trí mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ y tế các tuyến; có chính sách đãi ngộ, đặc thù, chế độ thâm niên nghề nghiệp đối với lực lượng y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Sớm thực hiện việc tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, công tác chuyên môn cho phù hợp.

Đồng thời, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong đó thực hiện việc ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, y tế cơ sở, đặc biệt là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn; khẩn trương xây dựng các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4; sớm hình thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo khu vực, theo vùng.

Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm COVID-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.