.

Trẻ trên 5 tuổi bị hen suyễn có tiêm vắc xin Covid-19 không?

Cập nhật: 22:23, 12/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Chị Trần Khả N., có đứa con 6 tuổi, thường hay lên cơn suyễn, cứ trở trời là cháu khò khè, hoặc ăn đồ biển thì lên cơn suyễn phải đi khám bác sĩ điều trị mới hết cơn. Trước thông tin Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, chị N. sợ con mình gặp rủi ro, nên hỏi bác sĩ cháu tiêm ngừa Covid-19 được không?

Bác sĩ trấn an nói: “Tất cả trẻ em mắc các bệnh tiềm ẩn như hen suyễn nên được chủng ngừa Covid-19, vắc xin cúm và tất cả các loại vắc xin thông thường khác, miễn là các bé không có phản ứng dị ứng tức thì hoặc nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin”.

Về chuyên môn, các phản ứng dị ứng với vắc xin nói chung và vắc xin phòng Covid-19 nói riêng thường không phải do thành phần chính có hoạt tính kích thích miễn dịch gây ra, mà là do các chất phụ gia, tá dược, chất bảo quản hoặc các thành phần kháng sinh và protein tồn dư trong quá trình sản xuất vắc xin.

Riêng với vắc xin phòng Covid-19, tác nhân chính gây ra phản ứng phản vệ được cho là các chất phụ gia thuộc nhóm polyethylene glycols (PEG) như PEG2000 hoặc polysorbate 80. Đây đều là những chất phụ gia đã được sử dụng trong nhiều loại thuốc, mỹ phẩm và các đồ gia dụng khác nhau với nguy cơ gây dị ứng khá thấp.

Thuốc có chứa PEG bao gồm một số loại viên nén, thuốc nhuận tràng, thuốc tiêm vào mô chứa steroid và một số sản phẩm nội soi đại tràng. Vắc xin mRNA Pfizer BioNTech, vắc xin Covid-19 duy nhất được phê duyệt sử dụng khẩn cấp dành cho trẻ em và thanh, thiếu niên, có chứa PEG. Nếu trẻ từng bị dị ứng với các thuốc trên thì phải cẩn trọng và báo với bác sĩ sàng lọc trước khi tiêm ngừa cho trẻ.

Trong một nghiên cứu khoa học đăng trên tờ báo sức khỏe uy tín The Lancet, thấy rằng trẻ em từ 5 - 17 tuổi mắc bệnh hen suyễn được kiểm soát kém có nguy cơ nhập viện do Covid-19 tăng lên rõ rệt, gấp 3 - 6 lần so với những trẻ không bị hen suyễn. Có 9.124 trẻ trong độ tuổi đi học ở Scotland và 109.488 trẻ ở Anh mắc bệnh hen suyễn được kiểm soát kém nên được coi là đối tượng ưu tiên tiêm chủng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng cho biết, bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn từ trung bình đến nặng có thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn, có thể có nguy cơ nhập viện cao gấp 4 lần sau chẩn đoán Covid-19. Vì vậy, các trẻ cần được tiêm ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt, vừa bảo vệ trẻ, vừa bảo vệ những người xung quanh khỏi sự lây lan trong cộng đồng.

Không có bằng chứng nào cho thấy trẻ em mắc bệnh hen suyễn sẽ phản ứng xấu với thuốc chủng ngừa Covid-19. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau và sưng trên cánh tay nơi tiêm, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu. Các tác dụng phụ nổi bật hơn sau liều thứ hai và sẽ giảm bớt trong vòng 24 giờ.

Có nhiều lợi ích khi trẻ được tiêm ngừa. Trước đây, khi dịch bệnh bùng phát, đã ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ em, nhất là trong học tập trực tiếp và các cơ hội xã hội khác trong đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng sức khỏe tâm thần cho các em. Thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể giúp các gia đình yên tâm quay trở lại các hoạt động một cách đầy đủ và an toàn hơn, điều này sẽ có lợi rất nhiều cho sức khỏe tâm thần của con họ.

Mọi người lưu ý, trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19, các bé vẫn được tiếp tục dùng thuốc kiểm soát cơn hen thường xuyên và tuân thủ theo kế hoạch điều trị bệnh hen suyễn hằng ngày. Không có bằng chứng cho thấy thuốc ngừa sẽ phản ứng với các loại thuốc thông thường mà các bé đang dùng.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC



 

.
.
.