.

Chưa kiểm soát được chênh lệch giới tính khi sinh

Cập nhật: 10:03, 15/06/2022 (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2006. Sau rất nhiều giải pháp, đề án đã được triển khai, nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn chưa được khắc phục.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2021, nhiều địa phương tỷ lệ MCBGTKS là 111,5 bé trai/100 bé gái. Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15 - 49 tuổi và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm.

THỰC TRẠNG MCBGTKS

Theo Quyết định 3671 ngày 2-8-2021 của Bộ Y tế ban hành về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021 - 2025. MCBGTKS cao nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng với 115,5 bé trai/100 bé gái và thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là 106,9 bé trai/100 bé gái. Sự chênh lệch MCBGTKS giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng cao nhất cả nước.

Nhóm các tỉnh có tỷ lệ MCBGTKS cao nhất tập trung ở phía Bắc: Sơn La, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội... trong đó cao nhất là tỉnh Sơn La (118,2 bé trai/100 bé gái), tiếp đến là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội. Ðây là bốn địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất trong nhóm. Tiền Giang thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109 - 112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố. Nhóm 3 có tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái, gồm 24 tỉnh, thành phố.

Tiền Giang thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109 - 112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố.
Tiền Giang thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109 - 112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố.

Với những con số trên cho thấy sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi sinh thời gian qua chưa đem lại hiệu quả, tình trạng MCBGTKS chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, các giải pháp của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhằm đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng như chỉ số 104 - 106 bé trai/100 bé gái sẽ là thách thức không nhỏ cho công tác dân số trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, việc MCBGTKS sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, phá vỡ cấu trúc cân bằng giới trong nguồn lực lao động. Theo phân tích và dự báo đến năm 2050, chênh lệch giữa nam và nữ sẽ là từ 2,3 đến 4,5 triệu người. Do thiếu nữ, cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể (một số nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân), điều này sẽ ảnh hưởng đến mức sinh và chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, MCBGTKS sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, gây bất ổn về kinh tế, chính trị - xã hội. Nhìn rộng hơn, mất cân bằng giới tính còn kéo theo những thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc; nguy cơ thiếu nguồn nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với nữ giới như may mặc, y tá, nghệ thuật...

Có ba yếu tố tác động đến MCBGTKS hiện nay, trong đó nguyên nhân sâu xa do ảnh hưởng của Nho giáo. Nhiều nơi “trọng nam, khinh nữ” rất rõ ràng và thậm chí cực đoan, cho rằng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai là có, mười gái coi như không)... Nhiều gia đình người Việt đặt rõ mục tiêu phải có con trai, tạo thành một áp lực suốt đời không chỉ là của bản thân mà còn của gia đình, họ hàng và cộng đồng, xã hội.

Do xuất phát điểm là sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và trình độ thủ công, sự vượt trội về cơ bắp của con trai trở thành một ưu điểm khi cày cấy, đi biển và khai thác rừng... Năng suất lao động khu vực nông nghiệp thấp nên cha mẹ thường không có tích lũy để dành cho tuổi già, trong khi đó lại không có lương hưu, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển... Vì vậy, khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con trai.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới chênh lệch giới tính đến từ việc lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Ngày nay, có thể chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và việc phá thai ngày càng thuận tiện, vì vậy, nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ, người ta có thể phá thai. Đồng thời, sự ra đời của công nghệ hiện đại, khiến việc lựa chọn giới tính khi sinh trở nên khả thi với nhiều gia đình.

GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT CHÊNH LỆCH GIỚI TÍNH KHI SINH

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức đến hành động của người dân. Tuyên truyền bằng nhiều nội dung và hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức thay đổi văn hóa, tư duy của người dân, nhất là vùng nông thôn nhằm nâng cao vị thế người phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng. Tuyên truyền để mọi người dân được biết những chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước về việc nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng MCBGTKS trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ… nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Ðáng chú ý, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm; thậm chí đóng cửa những cơ sở y tế vi phạm về việc cung cấp thông tin giới tính hoặc lựa chọn giới tính. Về lâu dài cần định hướng xây dựng các chương trình cộng đồng cho giới nữ cũng như đẩy mạnh hình ảnh nữ quyền trong các hoạt động dành cho nữ giới.

Việt Nam cũng đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát MCBGTKS trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

P.V

.
.
.