.

Cách ly mẹ - con khi mẹ mắc đậu mùa khỉ

Cập nhật: 20:53, 06/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Trước tình hình dịch đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập vào nước ta, để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, chúng ta cần tìm hiểu một vài tình huống có thể gặp với bệnh này, như trường hợp những bà mẹ đang thời kỳ cho con bú chẳng may mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nên cho bé bú mẹ không và cách chăm sóc bé như thế nào để an toàn cho bé? Chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

Bình thường chúng ta đều biết rằng lợi ích của việc tiếp xúc da kề da với trẻ sơ sinh gọi là phương pháp chuột túi “Kangaroo” rất tốt cho bé. Tuy nhiên, do nguy cơ lây truyền vi rút đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần và có khả năng gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh, vì vậy không nên để mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ tiếp xúc trực tiếp với con mình. Cần thiết phải cách ly là cách tốt nhất. Không nên ở chung phòng toàn thời gian với trẻ sơ sinh trong giai đoạn mẹ đang lây nhiễm.

Mẹ cần được tư vấn về nguy cơ lây truyền và khả năng mắc bệnh nặng ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ chọn tiếp xúc với trẻ sơ sinh trong thời kỳ lây nhiễm, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt như: Không được tiếp xúc trực tiếp da kề da; trong khi tiếp xúc, trẻ sơ sinh phải được mặc quần áo hoặc quấn đầy đủ và sau khi tiếp xúc, quần áo hoặc chăn phải được cởi bỏ và thay đồ khác; mẹ nên đeo găng tay và áo choàng mới mọi lúc, với tất cả các vùng da có thể nhìn thấy dưới cổ được che phủ; khăn trải giường bị dơ thì nên thay thế ngay; mẹ thường xuyên đeo và nên đeo khẩu trang y tế.

Những biện pháp phòng ngừa này nên được tiếp tục cho đến khi các tổn thương của mẹ đã khỏi, vảy bong ra và một lớp da tươi nguyên vẹn đã hình thành, thường là trên 14 ngày, từ khi mắc bệnh.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho hầu hết trẻ sơ sinh và nó giúp bảo vệ chống lại nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, do vi rút đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần như cho bé bú trực tiếp và nhiễm đậu mùa ở trẻ sơ sinh có thể nặng, nên hãy trì hoãn việc cho con bú sữa mẹ cho đến khi đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly, nghĩa là tất cả các tổn thương đã khỏi, vảy bong ra và một lớp mới của da nguyên vẹn đã hình thành.

Người ta không biết liệu vi rút đậu mùa khỉ có trong sữa mẹ hay không. Do đó tốt nhất là sữa mẹ mắc đậu mùa khỉ nên được vắt bỏ khi đang trong giai đoạn trì hoãn việc cho con bú. Để tránh vô tình trẻ sơ sinh tiếp xúc với vi rút đậu mùa khỉ, người chăm sóc khỏe mạnh có thể cho trẻ ăn sữa công thức đã qua tiệt trùng.

      BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.