Đốt đèn cầy chơi trung thu trong phòng máy lạnh, bé gái suýt chết ngạt
Bé Lê Thảo L. (5 tuổi, nhà ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), được ba mẹ mua cho nhiều đèn cầy chơi trung thu. Anh của bé L. (8 tuổi) lấy trên 20 cây đèn cầy cắm lên cái mâm (thường để dọn cơm ăn) rồi đốt và chơi đùa xung quanh cái ở nhà bếp được một lúc thì bé L. rủ anh mang mâm đèn cầy đang cháy vào phòng ngủ có máy lạnh để chơi cho mát. Đang nhảy múa hát hò quanh cái mâm đèn cầy cháy sáng, bỗng nhiên bé L. kêu đau đầu, nôn ói, rồi nằm ra sàn nhà, môi nhợt nhạt. Bé L. được gia đình đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhà.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ nói bé L. bị thiếu oxy não nên khẩn trương cấp cứu cho bé và sau vài giờ, bé L. khỏe lại bình thường.
Về chuyên môn, khi đèn cầy cháy, sinh ra hai chất. Ở ngọn đèn, trong những vùng có màu xanh là chất Hydro đang bị tách ra khỏi nhiên liệu và bị đốt cháy để hình thành hơi nước. Vùng sáng chói hơn, phần màu vàng của ngọn lửa là phần cacbon còn dư lại đang bị oxy hóa để tạo thành cacbon dioxyt.
Chính chất cacbon dioxyt (CO2) là loại khí độc không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim... Trường hợp nặng, người bệnh có thể hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan khác.
Trước khi cho bé L. về nhà, bác sĩ dặn ba mẹ bé là chơi trung thu phải chú ý hai điều, một là phòng cháy tránh gây phỏng do bất cẩn; hai là nếu đốt đèn trung thu, phải đốt ngoài chỗ thông thoáng để tránh bị ngạt. Tuyệt đối không đốt đèn cầy trong phòng kín, phòng máy lạnh.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC