.

Việt Nam: Đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Cập nhật: 21:39, 01/12/2022 (GMT+7)

WHO ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine COVID-19 phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Việt Nam là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

a
Việt Nam là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, ngoại giao vaccine trở thành một "mặt trận" rất quan trọng, vì có được vaccine là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.

Vào thời điểm tháng 8/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp do xuất hiện các biến chủng mới, vaccine được xác định là giải pháp mang tính chiến lược, bền vững trong cuộc chiến chống đại dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine phòng COVID-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách, nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, mặc dù Bộ Y tế đã ký hợp đồng đặt mua vaccine của AstraZeneca, Pfizer theo các nghị quyết của Chính phủ, nhưng số lượng vaccine nhập khẩu còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 13/8/2021 thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, lãnh đạo Bộ Y tế và một số bộ, ngành là thành viên.

Dưới chỉ đạo sát sao, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, công tác ngoại giao vaccine nói chung và hoạt động của Tổ công tác ngoại giao vaccine đã đạt được những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều vaccine, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng).

Về thuốc điều trị, chúng ta đã kịp thời tiếp cận, vận động, nhập khẩu các loại thuốc điều trị mới nhất để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.

Về hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, Việt Nam thúc đẩy Tập đoàn AstraZeneca đầu tư 90 triệu USD phát triển lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 5 nước được WHO công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

"Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vaccine đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp 'xoay chuyển tình thế', đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia 'đi sau về trước' trong triển khai tiêm chủng vaccine, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược từ ứng phó sang chủ động thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất ở khu vực.

Từ một nước có tỉ lệ tiêm nằm trong số các nước thấp nhất khu vực, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng tiêm, tốc độ tiêm và tỉ lệ bao phủ vaccine cao hàng đầu thế giới", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 29/11/2022, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.

Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine.

WHO ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch COVID-19

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. WHO tiếp tục khẳng định, đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ bao phủ vaccine trên cả nước cao, song tại một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm….

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vaccine, tổ chức vào chiều 30/11, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Thủ tướng nêu rõ, WHO dự báo đại dịch chưa kết thúc và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Virus có thể tiếp tục biến đổi và hiệu lực miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian; khoảng một nửa dân số thế giới chưa được tiêm vaccine.

Chúng ta không thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải tiếp tục nỗ lực chống dịch, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Chúng ta đã chuẩn bị kinh phí để tiếp tục mua vaccine và việc mua được vaccine cũng là nhờ ngoại giao vaccine.

Cùng với đó, phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao, các em học sinh và các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế một cách an toàn, hoa học, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

Theo Bộ Y tế, các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp, không để lãng phí vaccine.

Theo chinhphu.vn

.
.
.