.

42 tỉnh, thành phố đã công bố loại trừ bệnh sốt rét

Cập nhật: 14:23, 06/01/2023 (GMT+7)

Trong năm 2022, toàn quốc ghi nhận 456 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 2,4% so với năm 2021. Có 42 tỉnh, thành phố đã công bố loại trừ bệnh sốt rét. Dự kiến, cuối năm 2023 sẽ có thêm 5 địa phương công bố loại trừ căn bệnh này.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023 của Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương, TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương cho biết, trong năm 2022, cả nước ghi nhận 456 trường hợp mắc sốt rét, giảm 2,4% so với năm 2021; không có trường hợp tử vong. Đến nay, Việt Nam đã có 42 tỉnh, thành phố công bố loại trừ sốt rét.

Các tỉnh, thành phố công bố loại trừ sốt rét gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, TPHCM, Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Cà Mau và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự kiến đến cuối năm 2023, có thêm 5 tỉnh, gồm: Điện Biên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Tây Ninh và Kiên Giang sẽ đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

"Trong năm 2022, bệnh sốt rét đã được kiểm soát tốt, số ca bệnh giảm trên toàn quốc; nâng số tỉnh, thành phố được công nhân loại trừ sốt rét đến năm 2022 thêm 6 địa phương so với năm 2021", TS. Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.

Đặc biệt, cũng trong năm 2022, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương) đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Bệnh viện đã tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khoa xét nghiệm của bệnh viện cũng tiếp tục được đánh giá, công nhận đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012.

Khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp tục được đánh giá công nhận đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 - Ảnh: VGP/HM
Khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp tục được đánh giá công nhận đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 - Ảnh: VGP/HM

Cũng trong năm qua, các dự án hợp tác quốc tế của Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương và Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét… tiếp tục tài trợ cho công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam. Viện đã huy động được nguồn tài trợ gần 14 triệu USD của Quỹ Toàn cầu cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2024-2026.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật như trên, TS. Hoàng Đình Cảnh cũng chia sẻ, bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Lai Châu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, gia tăng số trường hợp mắc. Chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, phòng chống véc tơ truyền bệnh sốt rét và bệnh sốt xuất huyết.

Riêng các bệnh ký sinh trùng ở nước ta có tỉ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng, gây tác hại lớn đến sức khỏe người dân. Các bệnh ký sinh trùng thường có triệu chứng lâm sàng âm thầm nên chưa được người dân và xã hội quan tâm. Điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn kém cũng làm tăng các nguy cơ lây nhiễm bệnh và làm hạn chế hiệu quả của các biện pháp can thiệp phòng chống bệnh giun sán.

Trong năm 2023, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương đặt mục tiêu phát triển trên 4 lĩnh vực trọng tâm, gồm nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, đào tạo và cung cấp dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ của Viện.

(Theo baochinhphu.vn)

.
.
.