.

Vắc xin cúm an toàn đối với phụ nữ mang thai

Cập nhật: 15:40, 09/01/2023 (GMT+7)

(ABO) Tiêm phòng cúm khi mang thai giúp bảo vệ người mang thai khỏi bệnh cúm trong, sau khi mang thai và giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu đời. Không có khuyến nghị nào cho rằng những người đang mang thai hoặc những người có bệnh nền từ trước cần phải có sự cho phép đặc biệt hoặc sự đồng ý bằng văn bản của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ để được tiêm phòng cúm.

Nguy cơ biến chứng ở người có thai

Bất cứ ai cũng có thể bị cúm, ngay cả những người khỏe mạnh và các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cúm có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng một số người có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm nếu họ bị bệnh. Đó là những người từ 65 tuổi trở lên, những người ở mọi lứa tuổi mắc một số bệnh mãn tính như hen, tiểu đường hoặc bệnh tim, người mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi.

Cúm có nhiều khả năng gây bệnh khiến người mang thai phải nhập viện cao hơn so với những người không mang thai trong độ tuổi sinh sản. Cúm cũng có thể gây ảnh hưởng cho em bé đang phát triển. Trong một số nghiên cứu, triệu chứng sốt phổ biến của cúm có liên quan đến dị tật ống thần kinh và các hậu quả bất lợi khác đối với trẻ đang phát triển.

Tiêm vắc xin khi đang mang thai cũng có thể giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm sau khi sinh vì các kháng thể được truyền từ cha mẹ sang em bé trong khi mang thai. Những người chủng ngừa cúm khi đang mang thai hoặc cho con bú cũng phát triển các kháng thể chống lại bệnh cúm mà họ có thể chia sẻ với trẻ sơ sinh qua sữa mẹ.

Vắc xin cúm là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm

Tiêm vắc xin cúm là hành động đầu tiên và quan trọng nhất mà một người có thể thực hiện để bảo vệ khỏi bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Người mang thai nên tiêm phòng cúm, không dùng vắc xin cúm dạng xịt mũi. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng trong mùa cúm 2010 - 2011 và 2011 - 2012, việc tiêm phòng cúm giúp giảm tới 50% nguy cơ mắc bệnh cúm ở người mang thai. Những kết quả này phù hợp với hiệu quả ước tính của vắc xin cúm ở người lớn từ 18 - 64 tuổi.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc tiêm phòng cúm giúp giảm trung bình 40% nguy cơ nhập viện vì cúm ở phụ nữ mang thai. Những người mang thai tiêm phòng cúm cũng giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu sau khi sinh, khi trẻ còn quá nhỏ để tiêm phòng.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy về lợi ích của việc tiêm phòng cúm cho người mang thai. Tháng 9 và tháng 10 nói chung là thời điểm tốt để chủng ngừa mỗi năm. Tiêm chủng sớm trong tháng 7 và tháng 8 cũng có thể được xem xét cho những người đang mang thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ trong những tháng đó.

Vắc xin cúm an toàn cho người mang thai 

Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, tất cả người lớn nên tiêm vắc xin cúm hằng năm và những người đang hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm nên tiêm vắc xin cúm bất hoạt (người mang thai không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực) ngay khi có sẵn.

Hàng triệu liều vắc xin cúm đã được sử dụng an toàn trong hơn 75 năm, bao gồm cả những người mang thai. Sự an toàn của việc tiêm phòng cúm trong thời kỳ mang thai đã được chứng minh nhất quán qua nhiều thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu quan sát và dữ liệu từ các hệ thống báo cáo an toàn.

Tiêm vắc xin cúm khi mang thai không làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu. Dự án Liên kết dữ liệu an toàn vắc xin (VSD) của CDC đã tiến hành một trong những nghiên cứu lớn nhất kiểm tra việc tiêm phòng cúm và nguy cơ sảy thai.

Nghiên cứu bao gồm ba mùa cúm (2012 - 13, 2013 - 14, 2014 - 15), tìm kiếm bất kỳ nguy cơ sảy thai gia tăng nào ở những người đã tiêm vắc xin cúm trong thời kỳ mang thai. Nghiên cứu cho thấy không có nguy cơ sẩy thai gia tăng liên quan đến việc tiêm phòng cúm trong thời kỳ mang thai. Nghiên cứu này là bước tiếp theo của một nghiên cứu nhỏ hơn trước đó cho thấy những người mang thai tiêm vắc xin cúm có chứa H1N1 hai năm liên tiếp có thể tăng nguy cơ sảy thai.

Các kết quả gần đây hơn từ nghiên cứu lớn hơn này cho thấy việc tiêm phòng cúm là an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi của họ, đồng thời ủng hộ khuyến nghị hiện tại của ACIP về việc tiêm phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Một nghiên cứu khác tại VSD (Panagiotakopoulos et al. 2020) đã kiểm tra nguy cơ thai chết lưu (tử vong của thai nhi xảy ra sau 20 tuần tuổi thai) ở những phụ nữ mang thai đã tiêm vắc xin cúm và không tìm thấy nguy cơ gia tăng về sự kiện này ở những người được tiêm vắc xin cúm.

Không có khuyến nghị nào cho rằng những người đang mang thai hoặc những người có bệnh nền từ trước cần phải có sự cho phép đặc biệt hoặc sự đồng ý bằng văn bản của bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ để được tiêm phòng cúm.

Ngoài việc tiêm phòng cúm, người mang thai nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hằng ngày theo khuyến nghị cho mọi người, bao gồm tránh những người bị bệnh, che miệng khi ho và rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, cho con bú cũng có nhiều lợi ích, bao gồm giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm trùng như cúm.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

(Cập nhật tài liệu của CDC Hoa Kỳ ngày 3-1-2023)


 

 

.
.
.