Đã thử nghiệm thành công giai đoạn 3 vắc xin phòng bệnh tay chân miệng
(ABO) TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin tay chân miệng EV71 do Công ty Vắc xin Medigen (MVC), Đài Loan sản xuất được triển khai tại tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp theo chủ trương số 2322/UBND-KGVX ngày 7-6-2018 của UBND tỉnhTiền Giang và Quyết định số 1037/QĐ-BYT ngày 20-3-2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Lãnh đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và ngành Y tế Tiền Giang dự Hội nghị tổng kết Chương trình thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin EV71. |
Tại Tiền Giang, nghiên cứu được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy từ tháng 7-2019. Nghiên cứu đã thu tuyển được 1.358 trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tuổi trên địa bàn TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè tham gia. Đây là nghiên cứu đa khu vực, đa trung tâm, đối chứng giả dược, mù đôi, ngẫu nhiên, phân tầng, tiến cứu, giai đoạn 3 nhằm đánh giá tính hiệu quả, tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Enterouvirus EV71 bất hoạt sản xuất trên tế bào vero với tả chất ALP04 ở trẻ nhủ nhi và trẻ em.
Nghiên cứu kết thúc vào tháng 4-2021 và được Bộ Y tế nghiệm thu kết quả theo Giấy chứng nhận số 26/CN-K2ĐT ngày 14-9-2022.
Ths.BS Nguyễn Trọng Toàn trình bày kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin EV71. |
Về kết quả nghiên cứu, Ths.BS Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu viên chính của chương trình cho biết, không có lo ngại đáng kể nào về sự an toàn được phát hiện trong quá trình nghiên cứu, phản ứng sau tiêm vắc xin chỉ là phản ứng thông thường, chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Về hiệu lực bảo vệ, nghiên cứu cho thấy vắc xin có hiệu lực bảo vệ rất tốt, đạt tỷ lệ gần 97% và duy trì đáp ứng miễn dịch tốt trong ít nhất 1 năm. Vắc xin phòng bệnh tay chân miệng được tiêm 2 liều cách nhau 56 ngày và một liều nhắc lại vào 1 năm sau liều đầu tiên cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 2 tuổi. Việc tiêm đủ mũi và tiêm nhắc lại sau 1 năm đã cung cấp khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm EV71 cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi.
Thảo luận, chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin EV71. |
Theo BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, lãnh đạo ngành Y tế đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương, các nghiên cứu viên, cộng tác viên, các trạm y tế, trung tâm y tế các huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và các đơn vị có liên quan luôn hết sức nỗ lực, vượt qua những khó khăn để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu mặc dù nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt là cảm ơn các bậc cha mẹ, người thân đã cho con, em tham gia, đồng hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin EV71 trong thời gian qua với hy vọng sẽ có được vắc xin phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả trong thời gian tới.
“Chúng tôi rất mong muốn sau khi được Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế nghiệm thu, đánh giá và công nhận hiệu quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin EV71, nhà tài trợ sẽ sớm đệ trình hồ sơ cho Bộ Y tế xin cấp phép lưu hành vắc xin EV71 tại Việt Nam để trẻ em Việt Nam sớm được thụ hưởng thành quả mà nghiên cứu đem lại cùng với trẻ em tại các nước khác. Cùng với các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng hiện nay, kỳ vọng vắc xin EV71 sẽ giúp chủ động kiểm soát hiệu quả bệnh tay chân miệng cho tỉnh , nhằm bảo vệ tốt sức khỏe trẻ em và người dân tỉnh Tiền Giang” - BSCK2 Nguyễn Hữu Diệp chia sẻ.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe trẻ nhỏ. |
Được biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương. Hằng năm, Tiền Giang có hàng ngàn trẻ em mắc căn bệnh này. Bệnh tay chân miệng do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây ra, hay gặp nhất là Coxsackievirus A16, A6, A10 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, môi trường có vi rút gây bệnh.
Hiện nay, biện pháp phòng bệnh tay chân miệng chủ yếu là vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống. |
Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hầu hết các ca bệnh (từ 99,5% - 99,7%) đều diễn biến nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp (từ 0,3% - 0,5%) bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong do vi rút EV71.
THỦY HÀ - THANH HOÀNG